Xây dựng Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung
Đảm bảo tính riêng mỗi khu công nghệ thông tin tập trung
Ngay trước thềm năm mới 2020, Hội đồng quản lý Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung (CVPMQT) đã công bố và trao quyết định kết nạp Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên-Huế (HueCIT) tham gia vào Chuỗi CVPMQT. Từ 2 thành viên ban đầu là CVPMQT và Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG TPHCM (VNU-ITP), HueCIT là đơn vị thứ ba được Thủ tướng chính phủ chấp thuận cho gia nhập chuỗi.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Ủy viên Thường trực Hội đồng quản lý chuỗi, Giám đốc QTSC, nhấn mạnh: Để có được CVPMQT như ngày hôm nay, chúng ta mất khoảng hơn 15 năm vừa học vừa làm, trong đó 10 năm đầu có kết quả khá khiêm tốn. Do vậy, trong lĩnh vực này không thể đi tắt đón đầu được, mà theo lộ trình, để mỗi khu CNTT tập trung ra đời có tính riêng, thu hút được nhà đầu tư, có khách hàng và dư địa phát triển tốt, đáp ứng lợi ích kinh tế xã hội của địa phương. Tất nhiên lộ trình đó ngắn hơn, ít va vấp hơn so với CVPMQT; và cái “chất” của doanh nghiệp địa phương cũng chuyển động theo chiều hướng tốt hơn, nhờ sức lan tỏa (văn hóa, trình độ, tầm nhìn) từ các doanh nghiệp hàng đầu trong CVPMQT… Đó là những cái không thể đo đếm được bằng tiền. |
* Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn lý do HueCIT được chọn tham gia vào chuỗi, dù năng lực công nghệ thông tin (CNTT) của đơn vị này còn khiêm tốn?
* Ông Lâm Nguyễn Hải Long: Thừa Thiên – Huế được biết đến như là vùng đất di sản, thương hiệu cố đô được nhiều bạn bè thế giới biết đến; đây còn là “đất học”, là trung tâm khoa học của miền Trung. Địa phương này cũng đang có sự chuyển dịch kinh tế, chính quyền điện tử phát triển mạnh. Có thể thấy qua việc Thừa Thiên-Huế có kế hoạch bài bản để ứng dụng, phát triển lĩnh vực CNTT. Với HueCIT, hạ tầng về CNTT đơn vị này cũng mức cơ bản, với 14 doanh nghiệp đang hoạt động tại đây và có tiềm năng tăng trưởng tốt. Nhưng điểm nổi trội hơn cả là ý chí, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong lĩnh vực này rất cao, điều chúng tôi cảm nhận được qua các chuyến thăm, tìm hiểu giữa hai bên.
* Trong mối hợp tác này, các thành viên của chuỗi sẽ được lợi gì, thưa ông?
Điều này có mối liên quan nhất định đến sự chuyển động của CVPMQT. Quán tính của xã hội lâu nay vẫn đánh đồng thành công của khu CNTT nằm ở con số doanh thu, nhưng hiện nay không đúng nữa, mà thước đo phải nằm ở việc có bao nhiêu sáng chế hợp lệ được cấp Patent, bao nhiêu doanh nghiệp lớn, bao nhiêu sản phẩm ra thế giới,... Trước giờ CVPMQT hướng nhiều ra bên ngoài (gia công, xuất khẩu phần mềm), nay làm sản phẩm để quay lại thị trường nội địa thì bản chất, kinh nghiệm, kiến thức cũng phải thay đổi. Như vậy, với những doanh nghiệp thâm dụng lao động, có hàm lượng kỹ thuật thấp, chúng ta có thể giới thiệu đến nơi khác, địa điểm khác phù hợp và có lợi cho họ về mặt chi phí, còn CVPMQT có điều kiện đón những nhà đầu tư có trình độ công nghệ cao hơn; hoặc ngay cả những doanh nghiệp đặt phần giá trị gia tăng cao ở CVPMQT, nhưng có nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh ở những nơi khác với cùng mức độ ưu đãi, thì các thành viên trong chuỗi cũng là những điểm đến phù hợp.
Ở chiều ngược lại, việc mở rộng chuỗi, thêm thành viên như HueCIT không chỉ giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thêm sự lựa chọn về địa điểm đầu tư, mà doanh nghiệp còn có thêm cơ hội tiếp cận được một lực lượng sinh viên CNTT chất lượng và cần cù không thua kém các địa phương khác, tỷ lệ nhảy việc thấp (dưới 10%), cũng như chi phí (văn phòng, cuộc sống) hết sức cạnh tranh.
Thêm thành viên nhưng vẫn chung chiến lược phát triển, vai trò điều hành của Hội đồng quản lý chuỗi như thế nào để các thành viên bổ trợ lẫn nhau, không cạnh tranh nhau?
Công tác kết nạp thành viên mới đã có lộ trình, được thực hiện kỹ lưỡng và bài bản, trên cơ sở khảo sát, đánh giá đầy đủ lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương là gì để gắn công nghệ cho nó. Chúng ta không thể lấy mô hình thành công của CVPMQT để áp cho các thành viên trong chuỗi, bởi tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương là khác nhau. Nếu như CVPMQT tập trung cho các dịch vụ thuê ngoài CNTT (ITO); thì VNU-ITP là khu khởi nghiệp trong lòng đại học, cung cấp nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao; với HueCIT là phát triển CNTT ứng dụng trong văn hóa – du lịch, bởi đây là vùng đất di sản; tương tự như vậy, với Mekong ITP (Tiền Giang), tương lai nếu được kết nạp là thành viên của chuỗi, thì có thể tập trung phát triển CNTT phục vụ cho nông nghiệp, gia công quy trình doanh nghiệp (BPO).
Cũng phải nói thêm, bản thân CVPMQT phải tiến tới nâng chất. Sau thời gian đủ lâu làm gia công, xuất khẩu phần mềm, chúng ta tích tụ được kinh nghiệm; nguồn lực của doanh nghiệp trong CVPMQT cũng lớn dần; thêm nữa, kinh tế - xã hội của TPHCM ngày một lớn về quy mô và phát triển vào chiều sâu…, đó là những cơ sở để CVPMQT tự tin mở rộng thêm hướng nghiên cứu sản phẩm, bên cạnh tiếp tục hướng chủ lực là xuất khẩu phần mềm.
Đại diện QTSC và Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM ký kết hợp tác xây dựng “Tài liệu hướng dẫn triển khai và quản lý khu CNTT tập trung”
Trách nhiệm phát triển chuỗi là của Bộ TT-TT, nhưng có vẻ như trọng trách ấy đang dồn trên vai của TPHCM nói chung, CVPMQT nói riêng?
Mô hình Chuỗi CVPMQT là chưa có tiền lệ ở Việt Nam, cơ chế Hội đồng chuỗi cũng là khái niệm đầy mới mẻ, nên các cơ quan trung ương và TPHCM đã từng rất lúng túng. Sau khi có quyết định thí điểm của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 333, năm 2016), Bộ TT-TT, TPHCM cùng với CVPMQT mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện các cơ sở pháp lý, nhất là quy chế tổ chức và hoạt động chuỗi.
Như đã phân tích ở trên, việc mở rộng chuỗi CVPMQT trước hết xuất phát từ nhu cầu nâng chất của CVPMQT và chúng tôi cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, CVPMQT tích cực tham gia mở rộng chuỗi không giống hình thức doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành, bởi chúng tôi dùng chính nội lực của mình (chi phí, đội ngũ) để thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ cùng kinh nghiệm cho các địa phương, còn các địa phương mới là đơn vị trực tiếp vận hành, thụ hưởng. Do vậy, trong điều kiện thiếu nguồn lực hỗ trợ từ trung ương cũng như của TPHCM, CVPMQT phải “tự cân sức”.
Dù chuỗi CVPMQT vẫn đang phát triển đúng hướng, nhưng một số “chỉ tiêu” có thể khó đạt so với kế hoạch. Vậy, những vấn đề nào cần đặt ra để mổ xẻ khi trong năm 2020, Hội đồng quản lý chuỗi phải báo cáo kết quả thí điểm với lãnh đạo các cấp?
Mô hình này quá mới mẻ, nên chỉ khi bắt tay vào làm chuỗi mới ngộ ra nhiều cái, và sau thời gian cần nhìn lại, đánh giá lại để chọn hướng phát triển tốt nhất. Điều đầu tiên cần đánh giá lại, theo tôi, là mô hình cũng như vấn đề pháp lý của cơ chế Hội đồng quản lý chuỗi, liệu có còn phù hợp khi hiện nay cơ chế này thiếu cả “quyền” lẫn “lực”. Thứ đến, cần xem lại cách tương tác giữa chuỗi với Chính phủ và các địa phương, bởi thời gian qua tính chủ động của CVPMQT gần như mang yếu tố quyết định, trong khi chúng ta cần sự chủ động chung của các bên. Vấn đề nữa là phải khoanh vùng địa lý để xác định quy mô phát triển chuỗi cho phù hợp với năng lực (nhân lực, tài chính) chủ thể thực hiện. Cuối cùng là đánh giá, điều chỉnh là các chỉ tiêu phát triển của chuỗi một cách khả thi hơn, tạo kích thích cho sự phát triển nhưng không quá tham vọng.
Cũng xin nhấn mạnh thêm, chủ thể phát triển chuỗi hiện nay mới nằm ở CVPMQT; nếu tiếp tục duy trì mô hình và cơ chế Hội đồng quản lý chuỗi như hiện nay, chúng tôi cần sự tiếp sức mạnh mẽ hơn nữa của Bộ TT-TT và TPHCM.
Xin cảm ơn ông!
*********************
Giám đốc khu HueCIT LÊ VĨNH CHIẾN: Chú trọng các cơ chế, chính sách ưu đãi
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TPHCM chúc mừng HueCIT trở thành thành viên thứ ba của Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung
Với nhiệm vụ là đơn vị quản lý các khu CNTT tập trung và là đầu mối kêu gọi, hỗ trợ DN, nhà đầu tư khi đến đầu tư trong lĩnh vực CNTT tại Thừa Thiên-Huế, HueCIT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh về kế hoạch phát triển trung và dài hạn đối với Khu CVPM, CNTT tập trung; chú trọng các cơ chế, chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư phát triển ngành CNTT của tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế trong từng thời kỳ. Dựa trên các tiềm năng và thế mạnh cũng như định hướng phát triển của tỉnh, cùng với sự hỗ trợ bởi các thành viên Chuỗi CVPMQT, HueCIT sẽ tập trung vào việc nghiên cứu, xây dựng các ứng dụng CNTT trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, y tế…, đặc biệt là các giải pháp hướng đến xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh.
Giám đốc khu VNU-ITP NGUYỄN ANH THI: Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Từ năm 2019, VNU-ITP mở rộng tầm nhìn trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp kết nối toàn cầu nhằm nâng tầm khu, góp phần tích cực vào hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Trên cơ sở lợi thế là đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, một trung tâm đào tạo và nghiên cứu chất lượng hàng đầu của cả nước, VNU-ITP được Hội đồng quản lý chuỗi giao nhiệm vụ tập trung triển khai các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sự cộng hưởng, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, quan hệ và nguồn lực trong Chuỗi CVPMQT, sự quan tâm đầu tư của TPHCM trong giai đoạn vừa qua có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của VNU-ITP.
Giám đốc VNPT Tiền Giang: NGUYỄN VĂN THÁI: Khẩn trương hoàn tất các thủ tục để gia nhập chuỗi
Mekong ITP có diện tích hơn 73.000m2, trong đó có 22.000m2 diện tích sàn đã được xây dựng hoàn thiện, sẵn sàng cung cấp văn phòng làm việc, nghiên cứu, ứng dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực dịch vụ CNTT muốn mở rộng hoạt động, hỗ trợ các startup khởi nghiệp. Đặc biệt, với quỹ đất trống còn lại khá lớn là điều kiện thuận lợi để trình diễn, thử nghiệm ứng dụng CNTT phục vụ cho nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo… Mekong ITP đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để có thể gia nhập Chuỗi CVPMQT vào năm 2020, qua đó hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các nhà đầu tư, các startup, góp phần phát triển các sản phẩm, ứng dụng CNTT phục vụ chính quyền và người dân tỉnh Tiền Giang, cũng như các tỉnh thành trong khu vực.
Nguồn: SGGP