Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc của QTSC - khẳng định: “Trong bối cảnh chuyển đổi số, QTSC cũng phải chuyển đổi”.
- Như ông đã nói, QTSC cũng phải chuyển đổi. Vậy “thung lũng silicon của Việt Nam” sẽ chuyển đổi như thế nào trong định hướng 5, 10 năm tới?
- Mô hình công viên phần mềm tại QTSC hiện đã đi vào hoạt động ổn định, định hình một thương hiệu cùng với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ. Tuy nhiên, để phát triển mạnh hướng đến tương lai, QTSC cần chuyển đổi sang “chiếc áo” rộng hơn, từ công viên phần mềm (Software City) định hướng xây dựng trở thành công viên khoa học/thành phố khoa học (Science City) như mô hình đã có tại không ít quốc gia. Nếu QTSC không đi theo hướng này, người ta sẽ đi và thú thật mình cũng không biết đi theo hướng nào khác khả dĩ hơn.
Xây dựng QTSC thành một công viên khoa học trước hết phải tự nâng tầm mình lên, làm cho mình trở thành một trung tâm cung cấp các giải pháp công nghệ (TechHub), biến QTSC trở thành một nơi tìm kiếm một cách chủ động của các đối tác vì mình chính là trung tâm tập hợp và kết nối được các nguồn lực, sản phẩm, giải pháp công nghệ tại Việt Nam.
- Khi QTSC chuyển từ công viên phần mềm sang công viên khoa học, vậy kế hoạch mở chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung có còn tiếp tục được theo đuổi triển khai? Song vấn đề là các Công viên phần mềm Quang Trung 2, 3… có bước vào lối mòn của mô hình QTSC hiện tại?
- Tôi khẳng định rằng chắc chắn sẽ xây dựng mở rộng chuỗi QTSC và sẽ có QTSC 2, QTSC 3…
Thứ nhất, việc xây dựng chuỗi QTSC đã được Bộ Thông tin và Truyền thông giao cho QTSC “mẹ”, chọn QTSC “mẹ” làm ngọn cờ đầu để tiếp tục triển khai mở rộng.
Thứ hai, bản thân những QTSC 2, QTSC 3… trong chuỗi cũng không còn đơn thuần làm phần mềm mà sẽ mở rộng ra nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ. Các đơn vị trong chuỗi ở địa phương có điều kiện nhân lực công nghệ hạn chế hơn có thể nhận các hợp đồng, đơn hàng có giá trị gia tăng thấp hơn từ QTSC “mẹ” đưa về, còn những hợp đồng có giá trị gia tăng cao QTSC “mẹ” đủ năng lực đáp ứng thì tiếp tục triển khai.
Như vậy, các đơn hàng dù nhỏ hay lớn, có giá trị gia tăng thấp hay cao sẽ đều nằm trong chuỗi chứ không đi ra bên ngoài. Hơn nữa, chuỗi QTSC có nhiều thành viên thì cũng có nhiều chọn lựa hơn cho các đối tác và mỗi thành viên trong chuỗi cũng phát huy được bản sắc, thế mạnh riêng tại từng địa phương. Sự đa dạng này một khi cộng hưởng được sức mạnh với nhau, chúng tôi khi đi xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế cũng có tiếng nói và vị thế khác hơn.
- Một khi đã định hướng QTSC sẽ phát triển thành một công viên khoa học thì khi đó, các mũi nhọn đầu tư về nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ mới sẽ ưu tiên tập trung vào những lĩnh vực nào?
- Những năm qua, QTSC cũng đã nghiên cứu và phát triển thành công nhiều sản phẩm, giải pháp công nghệ, trong đó có những cái thành công nhưng cũng có không ít cái không thành công. Đó là chuyện rất bình thường trong lĩnh vực R&D khoa học công nghệ.
Giả thiết trong cả trăm giải pháp, ứng dụng công nghệ chúng tôi phát triển được, chỉ cần một, hai cái thành công và mang lại hiệu quả trên thị trường thì cũng đã đáp ứng kỳ vọng. Tuy nhiên, từ những trải nghiệm trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã rút ra được bài học kinh nghiệm xương máu là, làm R&D khoa học công nghệ cần có nhiệt huyết và đam mê. Nhưng việc xác định làm sản phẩm, giải pháp công nghệ nào để cung cấp cho thị trường thì không thể cứ theo đam mê cá nhân được. Cần làm những gì thị trường cần, có nhu cầu rộng lớn.
Trước mắt, QTSC có thể làm ngay là chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nội khu, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. QTSC đã có trải nghiệm về chuyển đổi số và nó đang là xu thế các doanh nghiệp không thể không triển khai. Bên cạnh đó, hướng dài hơi mà QTSC sẽ hướng đến là tập trung kết hợp hoạt động R&D giữa CNTT và khoa học sự sống (Life Science).
Việt Nam có gần 100 triệu dân, khu vực Đông Nam Á cũng từ 600-700 triệu dân, với mức thu nhập ngày càng cao sẽ là một tiềm năng về quy mô thị trường.
- Xin cảm ơn ông!