Trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Mekong Delta 2024 diễn ra tại Hậu Giang từ ngày 22 - 24/5/2024, bên cạnh giới thiệu các sản phẩm, giải pháp công nghệ tại khu trải nghiệm và trưng bày các mô hình, giải pháp chuyển đổi số, các xu hướng công nghệ mới thúc đẩy phát triển bền vững, QTSC còn tham gia trình bày tham luận tại phiên hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số thúc đẩy chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số” với hai nội dung: C-HUB: Giải pháp kết nối đa chiều cho Smart City và Tri thức an ninh mạng: Vai trò và thực tiễn áp dụng.
C-HUB là giải pháp kết nối đa chiều toàn diện nâng cao tương tác giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp và cộng đồng
- Qua quá trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số hướng đến chính quyền số, đặc biệt trong việc cải tiến các cách thức, quy trình trao đổi, tương tác thông tin giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, QTSC và đối tác đã xây dựng bộ giải pháp C-HUB bao gồm:
- Trung tâm 1022: là Trung tâm hoạt động 24/7 tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp bao gồm trung tâm liên lạc, các kênh giao tiếp và các đơn vị xử lý yêu cầu của người dân (sở ban ngành, UBND các quận/huyện và các đơn vị có liên quan).
- Dịch vụ ứng cứu khẩn cấp 11x: điều hướng khẩn cấp, hỗ trợ người dân khi có nhu cầu về y tế, cấp cứu, hỏa hoạn, an ninh trật tự trên địa bàn.
- Hệ thống tuyên truyền – thông tin nguồn cấp tỉnh/thành phố: hệ thống quản lý tập trung các đài truyền thanh thông minh, bảng LED công cộng và các phương tiện thông tin cơ sở khác – đây là hệ thống không thể thiếu trong việc tương tác hai chiều giữa chính quyền và công dân.
Vai trò và thực tiễn áp dụng các nguồn tri thức an ninh mạng trong công tác đảm bảo an toàn thông tin
- Trong tình hình các vụ tấn công mạng đang diễn ra hàng ngày hàng giờ, dưới nhiều hình thức đa dạng và biến chuyển khó lường, việc phát hiện sớm nhằm đưa ra những giải pháp phòng chống và khắc phục là điều cấp thiết đối với các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân... Vì các cuộc tấn công này không chỉ gây ra rủi ro về mất mát dữ liệu mà còn có thể phát tán mã độc và các nội dung xấu.
- Tri thức an ninh mạng - Threat Intelligence (TI) là quá trình thu thập, phân tích và xử lý thông tin về các mối đe dọa an ninh mạng tiềm ẩn hoặc đang diễn ra. Mục tiêu của TI là cung cấp cho các tổ chức và cá nhân kiến thức và hiểu biết cần thiết để chủ động phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các cuộc tấn công mạng.
- Hiểu được vai trò và tầm quan trọng của TI, cùng với việc xác định các nguồn TI để thu thập thông tin kịp thời, áp dụng vào thực tiễn sẽ giúp các đơn vị đạt được những kết quả vượt trội, từ đó đúc kết xây dựng nên các mô hình kỹ thuật tối ưu nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho từng nhóm cụ thể như an ninh mạng, máy chủ, ứng dụng và dữ liệu.
Đại diện QTSC tham gia trình bày tại phiên hội thảo
Nguồn: QTSC