Sáng ngày 02/06/2020, tại tỉnh Tiền Giang, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị đánh giá tổng kết Chương trình phát triển công nghiệp CNTT giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 392/QĐ-TTg tại khu vực phía Nam. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng, đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm nhận định, trong 5 năm qua, ngành Công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), điện tử viễn thông (ĐTVT) Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. “Công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước với doanh thu năm 2019 ước đạt 112 tỷ USD”, tăng trưởng 9,8% so với năm 2018, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động, đóng góp trên 14% cho GDP, nộp ngân sách nhà nước trên 53 nghìn tỷ đồng.
Toàn cảnh Hội nghị
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), ông Lâm Nguyễn Hải Long – Giám đốc QTSC đã có bài tham luận liên quan đến Kinh nghiệm phát triển Chuỗi công viên phần mềm (CVPM), và nêu một số đề xuất, khuyến nghị phát triển công nghiệp CNTT, ĐTVT giai đoạn sắp tới.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long – Giám đốc QTSC trình bày tham luận tại Hội nghị
Chuỗi CVPM Quang Trung được Thủ tướng cho phép thí điểm triển khai mô hình mẫu đầu tiên trong cả nước, là công viên phần mềm trọng điểm quốc gia, hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành CNTT của Việt Nam. Với 03 thành viên hiện tại: Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (VNU-ITP) và Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT), Chuỗi CVPM Quang Trung đóng vai trò phát huy và định vị thế mạnh, đặc trưng của từng địa phương, đối tác.
Theo đó, để tham gia trở thành thành viên Chuỗi CVPM Quang Trung, các khu công nghệ cần có 7 tiêu chuẩn sau: (1) Được thành lập hoặc công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; (2) Bộ máy quản lý chuyên nghiệp để xử lý công việc hàng ngày; (3) Có khả năng thu hút đầu tư, thiết lập môi trường khởi nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; (4) Có khả năng thu hút lao động chất lượng cao; (5) Có vị trí địa lý thuận lợi, có khả năng liên kết với các trung tâm đào tạo nhân lực CNTT hoặc trung tâm nghiên cứu-phát triển về CNTT; (6) Có cơ sở hạ tầng viễn thông, internet sẵn sàng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo dịch vụ logistic thuận lợi; (7) Phát huy lợi thế về công nghệ, giá trị dịch vụ cung cấp, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.
Nguồn: QTSC, mic.gov.vn