Khu nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới (QTSC R&D Labs) được Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) hình thành với mục tiêu làm "bà đỡ" cho những dự án khởi nghiệp. Qua 4 năm thành lập QTSC R&D Labs thu hút nhiều nhóm nghiên cứu, trong đó, mô hình phòng lab do Việt kiều đứng đầu được đánh giá thành công trong việc thương mại hóa sản phẩm, đào tạo nhân lực.
TS Nguyễn Đình Uyên (54 tuổi) - Việt kiều Mỹ - là một trong những chuyên gia vào lab đầu tiên. Chuyên nghiên cứu các công nghệ trong nông nghiệp, TS Uyên muốn phát triển các ứng dụng IoT. Để triển khai dự án, ông đã thu hút 5 sinh viên tốt nghiệp các ngành điện tử, tự động hóa của Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP HCM cùng tham gia.
TS Uyên được QTSC hỗ trợ gần 4.000 m2 đất để thực nghiệm hệ thống. Nhóm bắt tay vào lập trình ứng dụng trên điện thoại để điều khiển các thiết bị IoT vận hành hệ thống tưới, trộn phân và giám sát các chỉ số dinh dưỡng, môi trường xung quanh cho cây phát triển...
Ứng dụng này giúp người dùng theo dõi và điều khiển toàn bộ hoạt động của vườn. Đối với những trang trại lớn, nhóm phát triển hệ thống camera gắn vào máy bay không người lái sử dụng quang phổ để phát hiện tình trạng thiếu nước cho cây trồng, cảnh báo cho chủ vườn.
Khi sản phẩm hoàn thiện thử nghiệm, QTSC hỗ trợ giới thiệu ra thị trường. Hệ thống IoT trong container của TS Uyên đã được chuyển giao cho một doanh nghiệp tại Singapore để thương mại, giá trị hợp đồng khoảng 25.000 USD (hơn 600 triệu đồng).
Theo ông Uyên, sự hỗ trợ về mặt bằng và kết nối thị trường của QTSC đã giúp nhóm dự án giảm nhiều chi phí và có lối ra cho sản phẩm. Sau thành công này, nhóm của TS Uyên chuyên nghiên cứu các công nghệ ở giai đoạn prototype (sản phẩm mẫu) sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm thương mại.
Một dự án khác do TS Hồ Điệp (49 tuổi), Việt kiều Anh đứng đầu. TS Điệp cùng 8 chuyên gia các ngành công nghệ thông tin, điện tử... ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào 200 camera, thử nghiệm ngay tại khu Công viên phần mềm Quang Trung để đánh giá tính khả thi trong việc xử lý các dữ liệu về phương tiện, tình hình giao thông.
TS Điệp cho biết, với một nhóm nghiên cứu, việc có khu vực thử nghiệm giải pháp và kết nối với các đối tác, doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ là điều rất cần thiết. "Cứ mỗi tháng lại có một đoàn doanh nghiệp đến lab tìm hiểu công nghệ để hợp tác. Đây là cơ hội chúng tôi chào hàng và có những khách hàng mới", TS Điệp nói. Nhóm nghiên cứu đang hợp tác với VNPT Tiền Giang cung cấp các trạm IoT giám sát đo độ mặn, mực nước, độ pH... trên các nhánh sông Mekong, giúp cảnh báo đến chính quyền và người dân tình trạng xâm nhập mặn.
Câu chuyện thử nghiệm và kết nối khách hàng của TS Uyên và TS Điệp là hai trong 7 dự án tại QTSC R&D Lab do Việt kiều phụ trách.
Nói về lý do thu hút Việt kiều, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC cho biết, phòng lab được thành lập để nghiên cứu phát triển các sản phẩm cho thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng các công nghệ Việt, thay vì gia công cho nước ngoài. Muốn làm được việc này, cần có đội ngũ chuyên gia có thời gian học tập, làm việc ở nước ngoài và Việt kiều là những người phù hợp nhất.
Theo ông Long, để được chọn vào lab, những nhà khoa học phải xuất phát từ những cơ sở nghiên cứu ở viện trường. Đây là những chuyên gia có đam mê và được đào tạo bài bản và họ sống trong môi trường có sự giao thoa giữa hai nền văn hóa. Việt kiều có thời gian lâu năm ở nước ngoài nên có cơ hội tiếp cận với các nghiên cứu mới nhiều hơn, xây dựng được các quan hệ hợp tác, quy trình đăng ký bản quyền...
"QTSC là nơi trung gian hỗ trợ kết nối, quảng bá họ với những doanh nghiệp trong khu công viên phần mềm và cả doanh nghiệp trong và ngoài nước bằng những mối quan hệ của mình", ông Long nói.
Theo lãnh đạo QTSC, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đặt hàng các Việt kiều về nhu cầu công nghệ trong nước và tạo điều kiện thử nghiệm công nghệ mới. Nếu sản phẩm thành công, QTSC sẽ giới thiệu đến các đơn vị, ban ngành và doanh nghiệp thành phố ứng dụng thực tế.
Ngoài các dự án Việt kiều, lab đang có một số dự án với sản phẩm tiềm năng như kios khám bệnh tự động đang thử nghiệm tại bệnh viện Chợ Rẫy, robot chữa cháy được sử dụng tại cảnh sát PCCC quận Tân Bình...
Nguồn: Hà An - VnExpress