Những chiến công vang dội của Biệt động Sài Gòn - Gia Định góp phần đi đến thắng lợi Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975

Nữ Biệt động Sài Gòn nghiên cứu bản đồ Quận 7, trước giờ nổ súng tấn công các vị trí của địch. (Ảnh tư liệu)
 

Biệt động là lực lượng vũ trang đặc biệt, chiến đấu trên chiến trường đặc thù, chủ yếu là đô thị với nhiều chiến công vang dội. Biệt động Sài Gòn - Gia Định phát triển từ những nhóm “tiền thân biệt động” nhỏ bé, đã vươn mình trở thành lực lượng vũ trang đặc biệt, tinh nhuệ, hoạt động sâu trong lòng địch. Cùng nhìn lại lịch sử hình thành, phát triển và những chiến công của lực lượng này để thấy được tinh thần quả cảm, ý chí kiên cường, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Bài 1:

Quá trình hình thành và phát triển lực lượng Biệt động thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định

(Thanhuytphcm.vn) - Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lực lượng vũ trang Nam Bộ, đặc biệt ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, được hình thành từ nhiều nguồn, gồm nhiều thành phần, có thái độ chính trị và ý chí chiến đấu khác nhau. Khi cuộc kháng chiến Nam Bộ diễn ra đòi hỏi việc thống nhất lực lượng vũ trang Nam Bộ, đặc biệt vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trở nên cấp bách. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử tướng Nguyễn Bình - Ba Thảo, người đã tham gia hoạt động chống Pháp từ lúc còn nhỏ, có kinh nghiệm hoạt động cách mạng vào Nam Bộ chỉ huy, tập hợp lực lượng vũ trang lại, không để dẫn đến tình trạng “thập nhị sứ quân” bất lợi cho cách mạng.

Theo đó, các đơn vị vũ trang lần lượt được thành lập như: Ban Trinh sát, Ban Hành động, Trung đội, cảm tử, các tổ phá hoại, trừ gian, ám sát… Sau đó, Khu bộ khu 7 quyết định thống nhất tất cả các nhóm vũ trang đó vào một mối, có tổ chức chặt chẽ, phát động quần chúng, tổ chức cơ sở cách mạng và tạo nghề nghiệp làm ăn bám vào dân. Với chức năng đó, các tổ chức vũ trang mới với tên gọi là Ban Công tác Thành dưới sự lãnh đạo của Khu bộ khu 7. Mô hình tổ chức và hoạt động của các Ban Công tác Thành được đánh giá là phù hợp với chiến trường đô thị những ngày đầu chống Pháp, được coi là tiền thân Biệt động thành Sài Gòn - Chợ Lớn[1].

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định toạ lạc tại số 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1, TPHCM. (Ảnh: Daibieunhandan.vn)Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định toạ lạc tại số 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1, TPHCM. (Ảnh: Daibieunhandan.vn)
 

Từ khi có Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, Khu bộ khu 7 chỉ đạo xây dựng thêm Tự vệ Thành là lực lượng tự vệ tại chỗ trong phong trào chính trị, được tổ chức theo từng khu phố và ở một số cơ quan, xí nghiệp quan trọng. Cuối năm 1947, Ban Công tác thành và Tự vệ thành thuộc Quân khu 7 được chuyển thành 10 đại đội du kích thuộc Ban Chỉ huy Thành đội dân quân để làm nòng cốt cho phong trào du kích chiến tranh nội đô và phát triển lực lượng dân quân ở cơ sở (các hộ và đường phố, xí nghiệp). Đến cuối tháng 12 năm 1948, do địch tăng cường bình định miền Đông Nam Bộ, đặc biệt xung quanh Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, các Ban Công tác thành được gôm thành 3 đơn vị “quyết tử” trong đội hình tiểu đoàn ra mắt đầu năm 1950 lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn Quyết tử. Tháng 8 năm 1950, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập, tập trung xây dựng các đơn vị vũ trang hoạt động nội thành gồm lực lượng tự vệ vũ trang Thành, các cơ quan Thành đội bộ dân quân và Tiểu đoàn quyết tử 950 (sau giảm biên chế thành 3 đại đội Quyết tử ở nội đô 3721, 3824 và 3927). Đồng thời xây dựng một lực lượng tinh nhuệ từ các trung đoàn hoạt động xung quanh thành phố, bố trí thành 3 đại đội quyết tử được gọi là “Biệt động đội” mang phiêu hiệu 2763, 2766 và 2300. Từ đây danh từ Biệt động ra đời[2]

Sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng khóa II, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định được thành lập, tạo thành thế liên hoàn nông thôn - đô thị, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau. Cuối năm 1960, Khu ủy chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang nội đô song song với xây dựng lực lượng vũ trang vùng ven đô. Từ khi Quân khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập (1961), công tác xây dựng lực lượng vũ trang quân khu nói chung và lực lượng vũ trang nội đô nói riêng không ngừng được đẩy mạnh. Ngày 20 tháng 9 năm 1961, Khu ủy và Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định tổ chức Hội nghị quân sự lần thứ nhất tại Lộc Thuận (Trảng Bàng, Tây Ninh). Hội nghị đã thảo luận và quyết định: Phương hướng xây dựng lực lượng vũ trang đô thị là lấy lòng dân làm căn cứ, lấy nội đô làm trung tâm, xây dựng binh chủng đặc biệt, tinh nhuệ làm lực lượng xung kích trên cơ sở đồng bộ các thứ quân. Theo đó, vùng nội thành lấy đấu tranh chính trị là chủ yếu, có kết hợp đấu tranh vũ trang với tính đặc thù là đánh đau, đánh hiểm nhằm vào mục tiêu đầu não, sào huyệt địch, tích cực trừ gian, diệt ác, phá kềm, gây mất ổn định an ninh, hỗ trợ cho đấu tranh chính trị của quần chúng, tạo nên các làn sóng đấu tranh chính trị trong nội đô[3]. Thực hiện chủ trương đó, lực lượng Biệt động Thành được tái lập và phát triển nhanh chóng. Quân khu đã chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang theo phương thức lấy khâu xây dựng cơ sở làm nền tảng vững chắc, từ đó hình thành dần các tổ chức biệt động cánh, ngành, giới, tiến tới phát triển lực lượng tập trung của quân khu.

Đoàn cựu chiến binh tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. (Ảnh: Daibieunhandan.vn)Đoàn cựu chiến binh tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. (Ảnh: Daibieunhandan.vn)
 

Biệt động Thành được xây dựng và phát triển từ phong trào chính trị, bạo lực của quần chúng, nên vừa có cơ sở vững chắc, vừa có môi trường rộng để hoạt động, nên đã phát huy được chức năng và tồn tại lâu dài trong lòng địch. Họ thường là người tại chỗ phải “ba hóa” - công khai hợp pháp hóa, nghề nghiệp hóa, địa phương hóa; phải “ba cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng quần chúng đấu tranh. Biệt động càng có nhiều cơ sở trong dân, càng nhiều chân rết thì càng bảo đảm an toàn và tác chiến hiệu quả. Biệt động có thể hoạt động cả ngày và đêm, nhưng chủ yếu ban ngày, thường trà trộn trong dân hoặc lọt vào hàng ngũ địch để tiếp cận mục tiêu, rồi lên kế hoạch hành động cực nhanh, dứt khoát, quyết liệt và nhanh chóng rút khỏi khu vực chiến đấu, tìm nơi ẩn náu, thoát thân.

Từ cuối năm 1961, các đơn vị biệt động được xây dựng theo từng cánh[4]. Năm 1964, các cánh lập thêm các đội biệt động 68, 66; đồng thời Thành Đoàn, Ban Hoa vận, Ban Công vận cũng xây dựng các đội vũ trang của mình. Từ cuối năm 1964, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của quân xâm lược ngày càng thất bại nặng nề, Trung ương Cục đề ra “Kế hoạch X” chuẩn bị Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định. Địa bàn trung tâm của Kế hoạch X là Sài Gòn - Gia Định. Bởi vậy, Quân Khu Sài Gòn - Gia Định phải xây dựng một lực lượng biệt động mạnh, chuẩn bị các điều kiện để có thể bất ngờ tập kích chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn khi có thời cơ chiến lược. Theo đó, đơn vị biệt động tập trung của Quân khu lấy phiên hiệu F100 và các đơn vị bảo đảm A20, A30 được thành lập. Quân khu đã tập hợp, điều chỉnh các lực lượng biệt động trực thuộc, các trinh sát công khai của cơ quan quân báo và tuyển chọn một số chiến đấu viên trong các đơn vị bộ binh của quân khu, tổ chức thành 11 đội chiến đấu, đứng chân ở vùng ven theo vòng cung từ Đông Bắc, Bắc và Tây Bắc Thành phố (Gò Vấp, Củ Chi, Trảng Bàng, Đức Hòa).

Vũ khí chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. (Ảnh: Daibieunhandan.vn)Vũ khí chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. (Ảnh: Daibieunhandan.vn)
 

Đơn vị A20 tiến hành chuyển vũ khí từ vùng giải phóng vào nội đô. Đơn vị A30 tiến hành xây dựng các hầm giữ vũ khí, trú quân để đón nhận, lưu giữ vũ khí. Lực lượng biệt động 5 cánh cũng được duy trì và tăng cường, như đội 65 ở cánh Bình Tân, Đội 66 ở Dĩ An, đội 67 ở Gò Môn, đội 69 ở Nhà Bè… Lực lượng biệt động của các ngành, các đoàn thể như của Thành Đoàn, Hoa Vận, Công vận, Phụ vận và các đoàn thể khác tiếp tục được củng cố và tăng cường. Năm 1965, Mỹ đưa quân vào miền Nam tiến hành “chiến tranh cục bộ”.

Tuy nhiên, sau mùa khô 1967, các chiến dịch của Mỹ đều thất bại, địch lâm vào thế bị động, khó khăn. Trung ương Cục tiến hành tổ chức lại chiến trường, giải tán Quân khu 7 và Quân khu Sài Gòn - Gia Định, thành lập 6 Phân khu trên cơ sở 5 cánh của Thành phố Sài Gòn - Gia Định trước đây cộng thêm Phân khu nội đô (Phân khu 6), trực thuộc sự chỉ đạo của Khu trọng điểm Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư. Đoàn biệt động F100 của Quân khu giải thể, tổ chức thành 3 cụm biệt động: cụm 6-7-9, cụm 3-4-5 và cụm 1-2-8. Các đơn vị biệt động này được giao nhiệm vụ tiến công vào các mục tiêu Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Tổng Nha cảnh sát ngụy, Sân bay Tân Sơn Nhất (Cổng Phi Long), Khám Chí Hòa, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, Đại sứ quán Mỹ… vốn là những mục tiêu đã được xác định trong kế hoạch X từ 1965 (trừ mục tiêu Đại sứ quán Mỹ).

Lính Mỹ gác cửa tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn tháo chạy trước cuộc tấn công bất ngờ của biệt động Sài Gòn, đêm 30, rạng sáng 31/1/1968. (Ảnh tư liệu)Lính Mỹ gác cửa tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn tháo chạy trước cuộc tấn công bất ngờ của biệt động Sài Gòn, đêm 30, rạng sáng 31/1/1968. (Ảnh tư liệu)
 

Qua Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng Biệt động Thành tổn thất nặng nề, nên hoạt động của lực lượng vũ trang nội thành giảm sút, chỉ còn lại các tổ biệt động, duy trì hoạt động gây tiếng nổ làm quân địch hoang mang, tiêu diệt bọn ác ôn, cảnh sát, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân. Năm 1969, địch càn quét dữ dội, trong nội, chúng thì kiểm tra, đàn áp gắt gao, ở vùng chiến khu của Sài Gòn - Gia Định thì ngày đêm không ngớt tiếng súng, địch dội bom, bắn pháo, rải chất độc hóa học, dùng cơ giới, xe tăng ủi phá địa hình, làng xóm, triệt hạ các căn cứ, biến nơi đây trở thành “vùng tự do bắn phá”, tất cả biến thành bình địa. Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và Phân khu 6 phải tiến hành “cuộc hành quân ngàn ngày không nghỉ” xuống vùng Mỹ Tho, Bến Tre và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đầu năm 1970 trở đi, được nhân dân hết lòng đùm bọc che chở, các đội biệt động kiên trì xây dựng lại cơ sở, phát triển lực lượng tổ chức tác chiến nhỏ và mở rộng diện diệt ác phá kềm trên nhiều địa bàn.

Tháng 4 năm 1972, Quân khu Sài Gòn - Gia Định được tái lập gồm chủ yếu lực lượng Phân khu I và Phân khu 6 (các Phân khu khác đã lần lượt giải thể trước quý II năm 1972), lực lượng tập trung ở quân khu được hoàn thiện hơn. Trong điều kiện đó, lực lượng biệt động ở nội đô có sự phát triển thuận lợi. Đặc biệt từ tháng 4 năm 1974, Bộ Chỉ huy Miền đã quyết định thành lập Lữ đoàn đặc công biệt động 316, gồm 4 tiểu đoàn, 9 đại đội bố trí xung quanh Thành phố và nội đô, đó là lực lượng quan trọng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào cuối tháng 4 năm 1975.

Phan Xuân Biên

_______________________

[1] Thiếu tướng Trần Hải Phụng (1946), Sự hình thành và phát triển của lực lượng vũ trang nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong kháng chiến chống Pháp”, Trong sách, Mùa thu rồi ngày hai ba, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, tr.115.

[2] Đại tá, PGS.TS. Hồ Sơn Đài, Về những đơn vị tiền thân của lực lượng biệt động Sài Gòn, Trong kỷ yếu Hội thảo “Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”, 2018, tr.193. Thiếu tướng Trần Hải Phụng, Tlđd, tr.117.

[3] Lịch sử lực lượng võ trang Thành phố Hồ Chí Minh (1945 - 2015), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.234-235.

[4] Nguyễn Đức Hùng - Tư Chu, Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 31 năm chiến tranh giải phóng (1945 - 1975), Nxb Văn nghệ Sài Gòn, 2009, tr.35.

Xem thêm tin tức:

Chuỗi QTSC

Thành viên QTSC