ThinkforBL là một đơn vị tư vấn và phát triển tại Hàn Quốc. Công ty đã hỗ trợ hơn 300 doanh nghiệp nước này giải quyết các bài toán về hệ thống phần mềm, nhân lực và kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Park Jihwan - CEO công ty nói rằng thị trường và nguồn nhân lực kỹ sư Hàn Quốc đang bị thu hẹp, khiến các công ty có nhu cầu gặp khó khăn.
"Chúng tôi hướng đến giải quyết vấn đề này là hợp tác với các đối tác toàn cầu. Và chúng tôi chọn Việt Nam, sẽ là địa điểm hàng đầu để giúp các công ty phần mềm Hàn Quốc gia tăng giá trị gia tăng toàn cầu", ông Park nói.
Nhu cầu hợp tác kiểu ThinkforBl ngày càng nhiều. Nó không còn là giao một giải pháp có sẵn cho doanh nghiệp Việt nhận về 'coding' mà đòi hỏi phải tham gia ngay từ khâu thẩm định, tư vấn và đóng góp chất xám vào xây dựng kiến trúc cho giải pháp, phù hợp nhu cầu khách hàng. Ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ... là những khách hàng tiềm năng của Việt Nam.
"Ngành gia công phần mềm đã bước qua giai đoạn 2.0 rồi. Trước đây, khách hàng giao yêu cầu rồi mình làm. Bây giờ, chúng ta phải tham gia tìm giải pháp cho họ ngay từ bước triển khai đầu tiên", ông Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch TMA Solutions, người được mệnh danh là 'Bố già' trong làng gia công phần mềm trong nước cũng nhận xét.
Một góc khu Công viên phần mềm Quang Trung tại TP HCM. Ảnh: QTSC |
Công nghiệp phần mềm ở Việt Nam đã hình thành được 2 thập niên. Ông Lệ nói ngành không còn gia công đơn thuần mà đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của công nghệ.
Nhiều tên tuổi lớn khác đồng quan điểm. Ông Nguyễn Bá Quỳnh - Tổng giám đốc Global CyberSoft phân tích, bản chất nhu cầu gia công phần mềm của khách hàng quốc tế giờ đã thay đổi. Ngày trước, khách hàng chọn thuê ngoài nhằm tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, việc thuê ngoài hiện thời là hướng đến nhu cầu đổi mới công nghệ, tiếp cận giải pháp mới.
"Đây là thời điểm vàng để chúng ta dùng những gì đã học hỏi và tích luỹ được trong 20 năm gia công để tiến lên bậc sáng tạo", ông Quỳnh nói.
Liên minh Xuất khẩu Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VNITO) đang tỏ ra đầy tham vọng. Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch danh dự Liên minh, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) nói rằng Việt Nam đã rất thành công trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm, được quốc tế xem là "Software Development Hub" ở tầm châu Á. Bước tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp gia công phần mềm muốn 'nâng tầm' Việt Nam thành một trung tâm phát triển phần mềm và đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á.
Một trong những bước hiện thực hóa tham vọng là Hội nghị Phát triển Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam 2019 diễn ra cuối tháng 10 tới. Hai năm liên tiếp trước, sự kiện thường niên này tập trung nhấn mạnh Việt Nam là điểm đến hàng đầu châu Á về gia công phần mềm. Còn năm nay, ban tổ chức muốn giới thiệu khách hàng quốc tế về một Việt Nam là 'Innovation Hub' của khu vực.
Có 3 lý do để VNITO tin rằng ngành gia công phần mềm có thể chuyển mình lên bậc sáng tạo. Thứ nhất, Việt Nam đang có hàng loạt chương trình mới, chính sách mới về đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, Cách mạng 4.0..Thứ hai, độ mở cao của nền kinh tế tạo điều kiện tiếp xúc các khách hàng quốc tế. Và thứ ba, lượng sinh viên du học thuộc top 10 thế giới cùng nhiều nhà khoa học đang làm việc tại các nước phát triển là điều kiện học hỏi, tiếp xúc những công nghệ mới.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Quỳnh, để lên bậc sáng tạo thì ngành phầm mềm cũng cần 3 vấn đề mấu chốt, gồm chính sách hỗ trợ môi trường đổi mới sáng tạo và thực thi bảo vệ sở hữu trí tuệ; bộ khung về đổi mới trong hoạt động trong doanh nghiệp cùng đội ngũ nhân sự đầy đủ và chất lượng.
Nhu cầu đầu tư các giải pháp đổi mới sáng tạo trên thế giới vẫn tiếp tục tăng. Một khảo sát với 3.000 lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có Việt Nam của KPMG cho biết, các CEO đều mong muốn tăng đầu tư cho công nghệ. 44% doanh nghiệp được hỏi đã dùng điện toán đám mây nên đây không còn được xem là công nghệ mới. Những công nghệ được đánh giá là mới trong mắt các CEO hiện giờ có thể kể đến điện toán lượng tử hay trí tuệ nhân tạo.
"Chúng tôi quan sát thấy chi phí đầu tư cho công nghệ thông tin đã nằm ngoài bộ phận IT. Nếu bộ phận này không kịp thời thì các bộ phận khác sẽ chủ động đầu tư và thuê ngoài công nghệ, với sự đồng thuận của lãnh đạo cao nhất", ông Nguyễn Công Ái - Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết.
Viễn Thông - VnExpress