Bài phỏng vấn ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG HCM (ITP)
1/ Thưa Ông, chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung (chuỗi QTSC) được thành lập với mục đích gì? và nó vận hành theo mô hình nào?
Trả lời:
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC: Có nhiều mục tiêu và ý nghĩa khi thành lập chuỗi QTSC. Nói một cách tóm tắt là chuỗi QTSC ra đời nhằm (i) phát huy thương hiệu thành công và kế thừa các kết quả đạt được của QTSC để thu hút đầu tư, phát triển thị trường trong và ngoài nước; (ii) hỗ trợ, phối hợp với các địa phương có nhu cầu triển khai xây dựng các khu phần mềm, công viên khoa học, trung tâm ươm tạo, trung tâm R&D giúp các địa phương rút ngắn quá trình xây dựng; (iii) thiết lập mạng lưới và kết nối về hạ tầng viễn thông, internet, tiềm năng khoa học, công nghệ, nhân lực giữa thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương; (iv) nhận được sự chỉ đạo tập trung từ các cơ quan TW trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển; và (v) tăng cường quảng bá sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt.
Do đây là mô hình đột phá nên Chính phủ đồng ý cho phép chuỗi QTSC được vận hành thí điểm theo mô hình Hội đồng quản lý chuỗi. Hội đồng này gồm các thành viên bao gồm đại diện ITP, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố và QTSC. Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Vĩnh Tuyến kiêm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản lý chuỗi QTSC.
Đây là một mô hình mới chưa có tiền lệ pháp lý nên cần có thêm thời gian để hoàn thiện trong thực tế. Chuỗi QTSC vừa thành lập nên trước mắt có 2 thành viên. Chúng tôi đặt kế hoạch từ nay đến 2020, mỗi năm sẽ kết nạp thêm một thành viên mới.
2/ ITP có vai trò như thế nào trong chuỗi QTSC?
ITP là đơn vị trực thuộc ĐHQG TP.HCM, một thương hiệu lớn về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nên có lợi thế trong thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế. Vì vậy, vai trò và nhiệm vụ của ITP trong Chuỗi QTSC được xác định theo lợi thế sẵn có của ITP: (i) Tập trung ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT thông qua mô hình phức hợp giữa Trung tâm thúc đẩy (accelerator) và Trung tâm ươm tạo (incubator) doanh nghiệp; (ii) Tiếp nhận chuyển giao, trình diễn, quảng bá công nghệ mới cho cả chuỗi; đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ trong chuỗi; (iii) Trung tâm đào tạo, đặc biệt đào tạo nhân lực chất lượng cao (quản trị, R&D,…) cho chuỗi; (iv) Đa dạng hóa mô hình phát triển CNTT-TT của TP.HCM; mở rộng quy mô, hình ảnh và khả năng thu hút đầu tư trong lĩnh vực CNTT-TT và (v) Hỗ trợ tư vấn, xây dựng hạ tầng CNTT-TT phục vụ doanh nghiệp và góp phần thực hiện nhiệm xây dựng chính quyền điện tử của TP.HCM.
3/ Ông đánh giá thế nào về mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà ITP đang theo đuổi?
Đây là hướng đi phù hợp với lợi thế và năng lực của ITP. Trong những năm gần đây, ITP đang từng bước khẳng định vị thế của mình khi đạt được nhiều kết quả đáng tự hào trong quá trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố. Đã có những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo từ ITP tạo được những tiếng vang nhất định.
4/ Ông kỳ vọng gì ở ITP trong giai đoạn 5 năm đến?
Tôi mong rằng với quyết tâm và nỗ lực của ITP cùng với sự hỗ trợ của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và chính quyền thành phố, ITP nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và công nghệ toàn khu. Trở thành nơi kết nối hiệu quả tiêu biểu trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của cả nước và là một trong những hạt nhân nòng cốt quan trọng khi thành phố đang bắt đầu triển khai xây dựng đô thị sáng tạo trong chiến lược phát triển hướng đông.
(Trích nguồn: Kỷ yếu 15 năm thành lập ITP)