Smart City Summit là sự kiện thường niên do VINASA tổ chức từ năm 2017. Hội nghị nhằm chia sẻ tầm nhìn, chiến lược và kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của các thành phố trong nước và khu vực, đưa ra những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh phù hợp với các thành phố dựa trên nền tảng công nghệ mới như: IoT, Big Data, AI, SMAC…
Năm 2021, VIETNAM - ASOCIO Smart City Summit sẽ được tổ chức trực tuyến từ ngày 02 – 06/11/2021 với 05 nội dung chuyên đề gồm: Chính quyền số; Bất động sản thông minh; Khu công nghiệp thông minh; Nền tảng, giải pháp số cho thành phố thông minh; Startup với thành phố thông minh với 14 hội thảo chuyên đề và sự tham gia của khoảng 10.000 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ 24 quốc gia và nền kinh tế thành viên của ASOCIO.
Trước bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam cần hướng tới đổi mới, tái cấu trúc và hoàn thiện mô hình các KCN nhằm bắt kịp với xu thế toàn cầu. Phát triển các KCN phải đảm bảo hài hòa lợi ích, lâu dài, lấy hiệu quả KT-XH, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững làm mục tiêu cao nhất. Vì vậy, sáng 04/11/2021 chuyên đề Khu công nghiệp thông minh đã thu hút gần 1.000 khách tham dự trên nền tảng trực tuyến Zoom và được phát trực tuyến trên Youtube.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long (màn hình phía trên bên trái) và các diễn giả tại chuyên đề “Khu công nghiệp thông minh”
Phát biểu khai mạc chuyên đề “Khu công nghiệp thông minh” - ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó Chủ tịch VINASA, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết: “Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cả nước hiện có 370 KCN, doanh thu bình quân cho 1 ha là 1 triệu USD, năng suất lao động là 102 triệu đồng/năm. Riêng TP.HCM có khoảng 23 khu, 5.200 ha, lấp đầy 73%, NSLĐ nhỉnh hơn cả nước. KCN hay KCN thông minh luôn có 5 yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm: hiệu quả đầu tư, tỷ lệ lấp đầy, hiệu suất sử dụng đất, năng suất chất lượng bộ máy quản lý KCN, các vấn đề quản trị KCN.
Trước đây, các KCN thu hút nhà đầu tư dựa vào các lợi thế như: vị trí đẹp, giá thuê đất, chính sách ưu đãi về thuế. Hiện nay đang có sự chuyển dịch rõ ràng, những lợi thế đó không còn là lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút nhà đầu tư nữa mà sẽ có sự chuyển dịch kèm với các yếu tố thông minh như: nhà xưởng thông minh, logistic thông minh, năng lượng thông minh, môi trường thông minh, tòa nhà thông minh trong KCN. Những nền tảng đó sẽ được phát triển trên nền tảng công nghệ mới như bigdata, IoT, AI… Đó chính là nội hàm của KCN thông minh trong tương lai.”
Tại buổi hội thảo chuyên đề, các diễn giả đã nêu các vấn đề như: Thực trạng ứng dụng CNTT trong các KCN thông minh; Quá trình phát triển và KCN thế hệ mới tại Việt Nam; Hệ sinh thái toàn diện cho KCN thông minh. Và cũng có nhiều bài trình bày về ứng dụng công nghệ 5G trong KCN thông minh và các ứng dụng CNTT cho mô hình KCN thông minh tại Công viên phần mềm Quang Trung.
Ứng dụng MiGuards được triển khai từ năm 2020 tại QTSC
Bà Trân Nhiêu – Trưởng bộ phận Giải pháp Công nghệ, QTSC cho biết: ngay từ năm 2016, QTSC đã xây dựng các ứng dụng công nghệ IoT để phục vụ hoạt động giám sát, quản lý điều hành toàn khu. Năm 2018 các ứng dụng này đã được tích hợp trên một nền tảng duy nhất QTSC IOC. Những ứng dụng đang được triển khai thực tế ngay tại QTSC và mang lại hiệu quả lớn, phù hợp với nhiều KCN/KCX như: hệ thống quản lý hạ tầng trên nền tảng GIS, hệ thống quản lý camera thông minh (VMS), hệ thống kiểm soát và theo dõi bảo vệ (MiGuards), hệ thống giám sát điều hành QTSC IOC,… Những hoạt động này đã góp phần nâng tầm QTSC lên một bước ngoặt mới, trở thành một khu đô thị phần mềm ngày một thông minh hơn.
Nguồn: QTSC