Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nghị quyết 128 được TPHCM triển khai trên nhiều lĩnh vực, thực hiện mục tiêu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM và ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), trong việc áp dụng các công nghệ phòng chống dịch, hỗ trợ phát triển kinh tế.
Trên 60.000 tổ chức, doanh nghiệp có mã QR
PV: Thưa bà, Nghị quyết 128 đã nói rõ đến việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Ở TPHCM, những nền tảng, ứng dụng nào mà người dân, doanh nghiệp cần áp dụng để thực hiện đúng tinh thần nghị quyết?
Bà VÕ THỊ TRUNG TRINH: Sở TT-TT đã triển khai Cổng thông tin An toàn COVID (http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/) để người dân, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký và sử dụng mã QR.
Đối với người dân: Sử dụng mã QR cá nhân trên điện thoại thông minh (ứng dụng Y tế HCM, PC-Covid) thực hiện quét mã tại các điểm đến: chợ, cửa hàng, bệnh viện, nơi vận chuyển hàng hóa, tham gia lưu thông... Nếu không có điện thoại thông minh, người dân mang theo mã QR cá nhân được in trên giấy hoặc bằng nhựa để thực hiện quét mã.
Đối với tổ chức, doanh nghiệp: Mỗi đơn vị có thể cấp mã QR địa điểm cho nhiều khu vực khác nhau thuộc đơn vị mình cần kiểm soát, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, giúp cơ quan chức năng dễ dàng khoanh vùng khi cần điều tra dịch tễ. Tổ chức, DN quản lý, giám sát nhân viên, khách đến liên hệ công tác, giao dịch, sử dụng dịch vụ thông qua việc quét mã QR tại từng điểm kiểm soát của đơn vị…
Sở cũng đang hoàn thiện giải pháp hỗ trợ các tổ chức, DN tự đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch tại đơn vị mình trên Cổng thông tin An toàn COVID theo các bộ tiêu chí do TPHCM ban hành.
Những nền tảng, ứng dụng này đã mang lại hiệu quả như thế nào?
Từ khi thực hiện Chỉ thị 18, thành phố tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Sở TT-TT đã tiếp tục triển khai cấp mã QR cho người dân và doanh nghiệp. Tổng số tổ chức, DN đã được cấp mã QR là 62.240; tổng số lượt quét mã QR, khai báo y tế là 58.573.840.
Thực tế cho thấy, có những nơi, những cơ sở kinh doanh chưa thực hiện nghiêm, không khai báo y tế, hay trình thẻ xanh vaccine... Bà có ý kiến gì và giải pháp ra sao?
Với vấn đề này, rất mong các cơ quan báo đài hỗ trợ tuyên truyền, vận động các tổ chức, DN sử dụng mã QR để thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của đơn vị, góp phần kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh.
Cũng cần nói rõ, về thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Chỉ thị 18, các sở ngành, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đến từng tổ chức, DN, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. Sở TT-TT cũng đang hoàn thiện giải pháp công nghệ để các cơ quan nhà nước thực hiện công tác quản lý, giám sát việc thực hiện phòng chống dịch Covid-19 của các tổ chức, DN tốt hơn, sát thực tế hiện nay.
Nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Nghị quyết 128 tạo điều kiện thế nào để 100% doanh nghiệp, người lao động tại QTSC có thể trở lại hoạt động bình thường?
Ông LÂM NGUYỄN HẢI LONG: Nghị quyết 128 cùng với Chỉ thị 18 của TPHCM đã tạo điều kiện nhiều hơn để QTSC có thể hoạt động theo điều kiện “bình thường mới” thay mô hình “3 tại chỗ”. Đây là bước tiến lớn của hoạt động chống dịch Covid-19, trong cả tư duy nhận thức và hành động của các cấp, dựa trên tình hình và bài học thực tiễn tại TPHCM và các tỉnh thành phía Nam thời gian qua.
Từ ngày 1-10-2021 đến nay, các doanh nghiệp (DN) tại QTSC đã mở cửa hoạt động, thay dần cho hình thức làm việc từ xa. Tuần đầu tiên, QTSC có 2.500-3.000 người làm việc thường xuyên và tuần thứ hai có trên 3.500 người làm việc. Số lượng DN hoạt động trở lại sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, các DN vẫn thận trọng để vừa đảm bảo quy định phòng chống dịch, vừa đảm bảo duy trì nguồn nhân lực. Đối với ngành phần mềm, nguồn nhân lực là lực lượng sản xuất và là “nguyên liệu sản xuất”.
Với 4 cấp độ dịch, QTSC triển khai những tiêu chí nào để bảo đảm vừa tích cực sản xuất vừa chủ động phòng chống dịch?
Nghị quyết 128 được ban hành trên phạm vi toàn quốc nên có một số nội dung cần cụ thể hóa, trong khi Chỉ thị 18 đã quy định khá chi tiết những vấn đề này. Thành phố đang triển khai nhiều giải pháp, biện pháp để thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Chúng tôi cần tuân thủ triệt để các giải pháp mà thành phố ban hành.
Một trong những điểm mà chúng tôi quan tâm là hầu hết DN phần mềm làm việc trong văn phòng nên việc xét nghiệm, đảm bảo hành trình đi làm từ nhà đến văn phòng, các biện pháp phòng chống dịch… cần rõ ràng, cụ thể hơn. Dữ liệu liên quan phòng chống dịch của cơ quan quản lý nhà nước cần chia sẻ cho DN, giúp họ quản lý nhân viên. DN cần một đầu mối giải đáp thắc mắc, giúp họ nắm bắt thông tin để thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch… Ngành chức năng nên sớm ban hành các bộ câu hỏi/đáp chuẩn để DN tìm hiểu thêm.
QTSC có những giải pháp công nghệ đặc thù nào để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”?
Ngoài những giải pháp truyền thống như hệ thống lưu trữ tài liệu dùng chung cho cán bộ, công chức; hệ thống họp trực tuyến; giải pháp kiểm soát thân nhiệt; quản lý người cách ly… trong đợt dịch này, QTSC cùng đối tác cung cấp nhiều giải pháp công nghệ, hỗ trợ cộng đồng. Tiêu biểu như cùng Sở TT-TT TPHCM, Tập đoàn VNPT tham gia hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho Tổng đài cấp cứu 115 và Trạm cấp cứu dã chiến 115 đặt tại QTSC; triển khai giải pháp tra cứu nạn nhân Covid-19 (https://benhnhancovid.info/); cung cấp Hệ thống phần mềm an sinh…
Trong thời gian tới, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển đổi số TPHCM (DXCenter) đi vào hoạt động sẽ cung cấp nhiều giải pháp, sản phẩm công nghệ theo chuyên đề, trong đó chắc chắn có danh mục các sản phẩm công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.