Nếu chọn cách sống an nhàn, với kiến thức và chuyên môn, ông Đặng Tất Thắng, nhà sáng lập Công ty Giải pháp công nghệ I3 Australia, hiện đặt trụ sở tại Công viên phần mềm Quang Trung có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm bên Úc, nơi ông định cư.
Nhưng muốn thách thức khả năng và khao khát giúp đất nước, ông đã quay về Việt Nam (VN) thành lập công ty phần mềm với hướng đi đem lại những giải pháp tối ưu cho hệ thống y tế VN, dù biết rằng chặng đường phía trước còn nhiều cam go.
Câu chuyện y tế Úc
. Phóng viên: Đâu là lý do chính khiến ông quyết định quay về VN làm việc?
+ Ông Đặng Tất Thắng: Trong những chuyến về thăm VN và vào bệnh viện (BV) thăm người thân…, tôi nhận thấy các bác sĩ, điều dưỡng làm việc trong môi trường rất nhiều áp lực. Nhiều BV có sử dụng phần mềm công nghệ thông tin để hỗ trợ và giải quyết nhanh công việc cho nhân viên y tế nhưng tôi nhận thấy phần mềm tại các BV thiên về phục vụ quản trị hàng hóa, vật tư hơn là hỗ trợ khám lâm sàng cho bác sĩ.
Trong quá trình làm việc bên Úc, tôi cũng đã khởi động học chương trình tiến sĩ, đặt ra nhiều ước mơ và tham vọng cho mình. Tuy nhiên, dù bên Úc tôi đã làm đến vị trí giám đốc phát triển phần mềm, song trên mình còn có chủ đầu tư nên phạm vi thử nghiệm, những gì muốn làm sẽ bị giới hạn đến từ tầm nhìn của người trả tiền cho mình. Trong khi xây dựng một doanh nghiệp khởi nghiệp là cách để hiện thực hóa những gì mình đặt ra. Bản thân tôi cũng muốn thử thách khả năng và muốn đóng góp kiến thức thu thập từ nước ngoài về phục vụ đất nước.
Với những cái nhìn như vậy, tôi quyết định về VN mở công ty.
. Ông có nhận thấy sự khác biệt giữa lập công ty khởi nghiệp kinh doanh tại Úc và VN?
+ Việc thiết lập công ty bên Úc có chi phí cao và phát triển phần mềm cũng không rẻ do chi phí nhân công đắt. Còn về VN, tôi được Nhà nước miễn thuế trong vòng bốn năm do hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Hơn nữa, nhân lực trong lĩnh vực y tế VN có trình độ tốt và hiện vẫn có mức lương khá hợp lý.
. Vậy là người làm việc nhiều năm bên Úc, ông nhận xét gì về hệ thống y tế của Úc?
+ Hơn 10 năm làm phần mềm liên quan đến lĩnh vực y tế tại Úc, tôi nhận thấy hệ thống y tế bên Úc luôn muốn đem lại nhiều tiện lợi nhất cho bệnh nhân. Các bác sĩ luôn tận dụng sức mạnh công nghệ thông tin để khám lâm sàng chính xác và giám sát chặt chẽ bệnh án bệnh nhân. Từ đó bệnh nhân được giải quyết các vấn đề bệnh tật nhanh và chính xác.
Mặt khác, các bác sĩ bên Úc bị ràng buộc bởi tính pháp lý khá chặt trong hồ sơ bệnh án nên các BV phải đầu tư rất nhiều cho hệ thống phần mềm để đảm bảo trả lời đầy đủ các câu hỏi về chuyên môn với thời gian ngắn nhất.
Chẳng hạn, trước khi ra một phương pháp điều trị, các bác sĩ mất nhiều thời gian để khai thác nhiều khía cạnh từ bệnh nhân. Khi gặp bệnh nhân, bác sĩ đã nắm được những vấn đề căn bản nhất của bệnh nhân và chỉ cần đào sâu thêm để khai thác bệnh cảnh.
. Đó là bên Úc, còn nhìn về VN, ông thấy thế nào?
+ Qua quá trình làm việc thì tôi thấy hướng đi của Bộ Y tế VN đang xây dựng hệ thống phần mềm theo hướng mô hình chuẩn nước ngoài. Tuy nhiên, có rất nhiều thứ mà hệ thống y tế VN có nhu cầu rất lớn như là bệnh án điện tử nhưng đến giờ vẫn đang trong quá trình xem xét triển khai.
Ông Đặng Tất Thắng: “Nếu kinh doanh bằng mối quan hệ thì nó không bền vững và mất rất nhanh”. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp chứng minh
. Ông có hình dung được những khó khăn phải đối mặt khi về VN khởi nghiệp, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực y tế?
+ Những vấn đề tôi gặp tại VN cũng như bao doanh nghiệp khác thôi. Với môi trường kinh doanh ở VN, cần phải giải bài toán tồn tại trong 2-3 năm đầu, đó là tìm được khách hàng, hiểu mục tiêu tạo ra sản phẩm. Nhưng khó nhất vẫn là phải có được khách hàng ổn định. Sau đó mọi thứ sẽ dễ dàng hơn và tạo tiền đề chắp cánh cho ước mơ xa hơn của mình.
Tôi tin công ty của mình đang đi đúng hướng. Hiện chúng tôi đã chạm mốc bốn năm tồn tại, đặc biệt chúng tôi có nhiều khách hàng lớn như BV Bạch Mai, BV Hoàn Mỹ, Sài Gòn Co.op… đủ ổn định tài chính để hướng đến những kế hoạch đặt ra trong tương lai.
. Nhưng với đặc thù là công ty làm phần mềm, chắc hẳn việc tiếp cận khách hàng không hề đơn giản?
+ Ở nước ngoài, nhà nước luôn mở cửa cho các doanh nghiệp phần mềm tiếp cận để viết các giải pháp tích hợp thử nghiệm và cho triển khai thử các ý tưởng đó, nếu hiệu quả họ sẵn sàng hợp tác. Nhưng ở VN còn hơi thiếu điều đó.
Ngoài ra, khi đi chào hàng các BV công, câu hỏi đầu tiên đặt ra cho tôi là đã làm ở đâu chưa. Quả thật nếu không có nơi bắt đầu thì rất khó trả lời câu hỏi đó.
Nếu được, Nhà nước nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chứng minh và hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách thiết lập mô hình giả lập và có thể chọn một số BV tuyến dưới thử nghiệm, nếu có hiệu quả thì nhân lên và hợp tác.
. Xin cám ơn ông.
“Ai kinh doanh mà không sợ thất bại” . Khi về VN đầu tư và kinh doanh, ông có sợ gặp rủi ro, thậm chí thất bại? + Ai kinh doanh mà không sợ thất bại nhưng nếu có thất bại thì tôi không tiếc những gì đã và đang làm. Thực tế, với tôi, nếu giả định có thất bại thì lại quay về Úc làm việc. Vì khả năng đáp ứng mức sống cơ bản của con người không quá lớn đối với các nước phát triển. Vấn đề là mình dám đi ra khỏi vùng an toàn đó, đặt ra mục tiêu và kiên quyết thực hiện mục tiêu đó. Mong muốn của một người làm chủ là đạt sự thành công, có nhiều tiền nhưng với tôi là sự ao ước được góp một tay thay đổi nền y tế VN trong một phạm vi nào đó, đồng thời góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống người dân nước mình. . Nhưng để đạt mục tiêu đề ra hẳn là công ty ông phải có gì đó riêng biệt để cạnh tranh và phát triển? + Tôi cho rằng mỗi doanh nghiệp cần phải có sự khác biệt để cạnh tranh, với công ty chúng tôi là hướng đến quyền lợi người dùng phần mềm. Nếu chúng tôi làm phần mềm như bao phần mềm khác thì cũng khó cạnh tranh tại VN, do vậy chúng tôi buộc phải làm sao cho sản phẩm của mình vượt hơn bình thường một chút để khách hàng chọn vì không thể tìm thấy một sản phẩm tương đương thay thế. |
PHƯƠNG MINH - QUANG HUY Báo Pháp Luật TP.HCM thực hiện