TTO - Người dân TP sẽ được thụ hưởng các tiện ích như năng lượng chi phí thấp, giao thông công cộng tiện lợi, tương tác dễ dàng với chính quyền...
Bản điện tử thông tin trực tuyến tại trạm xe buýt trên đường An Dương Vương, quận 5, TP.HCM giúp người dân dễ dàng nắm thông tin các chuyến xe - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là mục tiêu của đề án "Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025" vừa được trình HĐND TP.
Nhưng không phải đến bây giờ mà từ 2 năm trước, mô hình "đô thị thông minh" thu nhỏ đã được thí điểm tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) tại Q.12, TP.HCM.
8h sáng, chị Hoa (Q.Gò Vấp) đến làm việc tại QTSC. Đi qua cổng, camera quét nhận diện biển số xe của chị. Nếu thuộc diện "nghi vấn", xe sẽ bị chặn. Chị bước vào phòng, đèn, điều hòa, rèm cửa... tự khởi động.
Bật máy tính lên, chị Hoa lập tức nhận được đầy đủ toàn bộ lịch họp, lịch công tác tuần, hồ sơ phê duyệt... thông qua một ứng dụng nhắc nhở từng đầu việc. Toàn bộ công việc giữa các nhân viên trong QTSC cũng được chia sẻ, trao đổi qua các ứng dụng kết nối.
Khuôn viên rộng 43ha của QTSC cũng được số hóa, liên kết toàn bộ dữ liệu từ điện, viễn thông đến thoát nước và cây xanh.
"Nếu TP quyết tâm, chỉ trong 2 năm toàn bộ dữ liệu nhà đất sẽ được số hóa." - Ông Lâm Nguyễn Hải Long - GĐ QTSC
Những tiện ích tương tự được kỳ vọng nhân rộng và phát triển khi "đô thị thông minh" không dừng lại ở quy mô QTSC mà nâng lên quy mô toàn TP.HCM.
"Đô thị thông minh" mà TP.HCM sắp triển khai sẽ dựa trên 4 trụ cột chính: Trung tâm dữ liệu mở, Trung tâm điều hành, Trung tâm dự báo và Trung tâm an ninh thông tin.
Hiện QTSC đang là trung tâm dữ liệu của cả TP, dù mới chỉ tập hợp dữ liệu riêng lẻ. Khi toàn bộ hệ thống dữ liệu "khổng lồ" này được liên kết, người dân, doanh nghiệp đều có thể tìm thấy mọi thông tin ngay lập tức.
TP.HCM sẽ ưu tiên làm trước các dữ liệu trong các lĩnh vực thiết thân với người dân như cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Tương tác giữa người dân với chính quyền cũng sẽ dễ dàng hơn, doanh nghiệp có môi trường minh bạch, các tổ chức xã hội có cơ chế phản hồi, từ đó tăng năng lực cạnh tranh và chất lượng sống của TP.
3 đơn vị đầu tiên đăng ký thí điểm đề án "đô thị thông minh" là Q.1, Q.12 và Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm. Trong đó, Q.12 hiện đã số hóa được một số dữ liệu về quản lý dân cư, thông tin quy hoạch…, sắp tới sẽ triển khai đăng ký cấp giấy phép xây dựng qua mạng, xây dựng phần mềm trả lời trực tiếp khi người dân thắc mắc. Dự kiến ngày 25-10, quận sẽ ra mắt các giải pháp "thông minh" này.
TIẾN LONG - MAI HOA