Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại diễn đàn.
(Thanhuytphcm.vn) - Cần kết nối, chia sẻ được dữ liệu mở dùng chung cho người dân, doanh nghiệp. Việc xây dựng dữ liệu nên ưu tiên một số lĩnh vực cấp thiết sau đó tiếp tục phát triển mở rộng… Đó là những ý kiến được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế số Việt Nam 2018” (VDE Forum 2018) do Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu phối hợp Công viên phần mềm Quang Trung, Viện Nghiên cứu phát triển TP tổ chức tại TPHCM, ngày 1/11. Đến dự có Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thành Hưng; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến; các chuyên gia về chính sách công, công nghệ số trong và ngoài nước.
Kinh tế số đang trở thành xu hướng sống động
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, có 4 nội dung chính để phát triển kinh tế số của Việt Nam hiện nay. Cụ thể, tạo dựng cơ sở dữ liệu số nhanh hiệu quả; xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp; đổi mới hệ thống giáo dục, dạy nghề để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trước sự phát triển của kinh tế số; tạo dựng, quản lý dữ liệu mở để doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng để phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mô hình kinh tế số đang trở thành xu hướng sống động, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có những thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển trong bối cảnh ngày nay.
Tại Việt Nam, các mô hình số hóa đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội. Tuy nhiên, trước tình hình các mô hình số hóa sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, việc giải quyết các thách thức cho kinh tế số bằng các công cụ hành chính, chính sách cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài. Thêm vào đó, sự phát triển của các mô hình tổ chức và công nghệ vượt trội cũng đặt ra vấn đề rất lớn về nguồn nhân lực. Nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số ngày càng trở nên cấp bách.
Đối với TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TPHCM có nguồn lực công nghệ thông tin; số người sử dụng internet cao nhất cả nước. Hiện có khoảng 80% dân số TP sử dụng điện thoại thông minh. Đây là những điều kiện thuận lợi để TP phát triển kinh tế số. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, các thông tin tại VDE Forum 2018 sẽ giúp các sở, ngành, các doanh nghiệp, người dân TP hiểu biết đầy đủ hơn về kinh tế số, tạo sức lan tỏa thị trường kinh tế số, giúp TP phát triển nhanh, bền vững hơn.
Hướng đến Chính phủ số
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng, dữ liệu mở là tài sản chung của toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế số. Giám đốc điều hành Chương trình “Dữ liệu mở toàn cầu về Nông nghiệp và Dinh dưỡng”của Liên Hiệp Quốc André Laperrière cho rằng, chìa khóa để đổi mới sáng tạo là sử dụng hiệu quả dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Việc tập hợp dữ liệu cực kỳ quan trọng. Đây chính là kiến thức, trí tuệ giúp công tác quản lý tốt hơn, vì vậy cần có dữ liệu mở cho tất cả mọi người. Để sử dụng dữ liệu hiệu quả cần kết hợp 3 bên, gồm: Chính phủ (nơi có và cung cấp dữ liệu), người dân (đối tượng muốn tiếp cận thông tin), khối tư nhân (giúp rút ngắn việc cung cấp dữ liệu).
Ông Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản cho rằng, hiện nay phần thật sự thiếu chính là dữ liệu và ứng dụng dữ liệu. Phải có cách để kết nối, chia sẻ được dữ liệu đến người dân, doanh nghiệp. Khi xây dựng dữ liệu cần ưu tiên một số lĩnh vực trọng tâm, có mục tiêu, lộ trình để người dân sử dụng được các dữ liệu trong công việc của mình.
Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Phúc cho biết, việc xây dựng Chính phủ Điện tử tại Việt Nam đã được nhiều kết quả tích cực nhưng một số cơ sở dữ liệu quốc gia nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử như: dân cư, đất đai quốc gia, tài chính còn chậm triển khai dẫn đến việc chia sẻ, dùng chung các hệ thống thông tin chưa được thực hiện. Hiện nay, dịch vụ công trực tuyến được thiết kế riêng lẻ, rời rạc, chưa thân thiện, chưa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Trên thực tế, số lượng hồ sơ trực tuyến theo từng dịch vụ rất thấp, thậm chí nhiều dịch vụ không phát sinh hồ sơ trực tuyến. Trong khi đó, các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu triển khai chậm.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Chính phủ Điện tử đang hướng đến Chính phủ số dựa trên 3 nền tảng: Người dân là trung tâm, Chính phủ là nền tảng, Dữ liệu là cốt lõi. Để dữ liễu là cốt lõi, công chức dùng dữ liệu cho việc xây dựng chính sách quy hoạch, ra quyết định nhanh, chính xác trên cơ sở dữ liệu; người dân sử dụng dịch vụ công hoàn toàn số; doanh nghiệp phát triển các ứng dụng sử dụng tài nguyên của Chính Phủ như: dữ liệu, APIs (giao diện lập trình ứng dụng),…
Nguồn: Thanhuytphcm.vn - S. Hải