Hòa nhập với xu thế của thời đại công nghiệp 4.0 (2016 – 2020)
Cùng với sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế, uy tín và trên cơ sở những nền tảng được kế thừa, QTSC ở giai đoạn 2016 đến 2020 đã có những bước điều chỉnh về chiến lược để thật sự trở thành một cứ điểm không chỉ dành cho các hoạt động gia công, xuất khẩu phần mềm mà còn tiếp thu những tinh hoa, thành tựu công nghệ trên thế giới nhằm đưa vào phục vụ đời sống, kinh tế xã hội của thành phố và trên cả nước...
Khẳng định vai trò đầu tàu công nghệ
Sau khi thành lập năm 2001, QTSC đã mất 10 năm đầu để gầy dựng khu công viên phần mềm. Đây là thời gian QTSC thử nghiệm các chính sách, các mô hình để định hình hướng đi và giá trị cốt lõi của mình. Và QTSC thật sự có được đà phát triển kể từ năm 2011 đến nay, tập trung vào cốt lõi ban đầu đó là chú trọng về gia công, xuất khẩu phần mềm, thu hút doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Theo ông Trần Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của QTSC, để đạt điều này, hạ tầng viễn thông-CNTT tại QTSC là một trong những nền tảng quan trọng, tạo môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phần mềm, giúp thu hút đầu tư vào QTSC. Nơi đây hạ tầng viễn thông CNTT đã được đầu tư đồng bộ với các công nghệ mạng, bảo mật hiện đại, đường truyền Internet tốc độ cao nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất cho các doanh nghiệp phần mềm, các doanh nghiệp CNTT. Mặt khác, trong quá trình hoạt động, QTSC không ngừng nâng cao nguồn nhân lực, đầu tư nâng cấp các công nghệ hiện đại, công nghệ mới nhất gồm cả Trung tâm dữ liệu điện toán đám mây, tích hợp các giải pháp an ninh thông tin tiên tiến phục vụ cung cấp hạ tầng, ứng dụng, bảo đảm an toàn thông tin cho chương trình ứng dụng CNTT - chính phủ điện tử của TPHCM,...
Sau 15 năm hình thành và phát triển QTSC đã thực sự trở thành điểm thu hút đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển trong ngành CNTT với những tên tuổi lớn trong và ngoài nước đang hoạt động như KDDI, SPS, TMA, Hitachi Vantara Việt Nam, Vina Data... với hơn 20.000 người đang học tập và làm việc. Các doanh nghiệp đã xây dựng và cung cấp hơn 250 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Các sản phẩm, giải pháp chủ yếu được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia tập trung vào Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu.
1 góc Công viên phần mềm Quang Trung
Từ năm 2016, mô hình của QTSC chuyển dịch trong bối cảnh bùng nổ nhiều công nghệ mới. Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc QTSC, QTSC không thể cứ tập trung chỉ làm gia công phần mềm mà cần phải hội nhập và hòa nhịp với trào lưu những công nghệ mới mà nhiều người gọi là Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cùng với sự phát triển ổn định của cộng đồng doanh nghiệp nội khu, số lượng chuyên viên phần mềm và doanh nghiệp phần mềm (DNPM) tăng liên tục qua các năm tiếp tục là tiền đề, động lực để QTSC có những bước thay đổi cơ bản đề hòa nhập với xu thế của thời đại công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, với định hướng như trên, từ năm 2016 đến nay, QTSC chủ trương không mời gọi thêm các nhà đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật mà tập trung rà soát, chấn chỉnh các nhà đầu tư không thực hiện đúng thủ tục và triển khai thu hồi các lô đất của những nhà đầu tư không đủ năng lực hoạt động, ưu tiên dành quỹ đất còn lại để phục vụ cho các hoạt động sản xuất phần mềm và các hoạt động nghiên cứu-phát triển (R&D). Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn chung của nội khu, QTSC từng bước nâng cao tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư. Vì vậy, số lượng nhà đầu tư tại QTSC không có nhiều biến động trong giai đoạn này.
Ứng dụng mô hình đô thị thông minh đầu tiên tại Việt Nam
Trong quá trình phát triển, QTSC gặp không ít những khó khăn, thách thức trong hoạt động quản trị, điều hành của một “software city” như: đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng luôn sẵn sàng 24/7; quản lý trật tự, kiểm soát an ninh; nâng cao năng lực phục vụ nhu cầu ngày càng lớn, phức tạp của các doanh nghiệp và những người học tập và làm việc tại đây,... Trong bối cảnh đó, QTSC đã tìm kiếm giải pháp quản lý nội khu nhằm giải quyết được các thử thách trước mắt nhưng phải theo kịp xu hướng hội nhập quốc tế để nâng tầm QTSC sánh ngang với khu công nghệ của các nước dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.
Năm 2016, lãnh đạo QTSC đã quyết tâm xây dựng QTSC trở thành đô thị thông minh đầu tiên trong cả nước. Đô thị thông minh là một mô hình định hướng mà QTSC phải dùng nó để triển khai cho việc nâng cao khả năng quản lý hoạt động của mình cũng như phục vụ những doanh nghiệp công nghệ trong khu công viên tốt hơn.
Với định hướng này, QTSC đã chủ động ứng dụng công nghệ để giải quyết các bài toán về quản trị. QTSC từng bước số hóa hoạt động quản trị điều hành nội khu để nâng tầm QTSC ngày một thông minh hơn, tiến đến trở thành một hình mẫu về đô thị thông minh đầu tiên của cả nước.
Quá trình số hóa hoạt động quản trị bắt đầu từ những hoạt động số hóa đơn giản như số hóa dữ liệu hạ tầng nội khu, số hóa dữ liệu hệ thống điện, chiếu sáng,... đến các bước chuyển đổi phức tạp hơn qua việc số hóa quy trình quản lý, điều hành nhằm hướng đến sự liền mạch, nhất quán, tập trung và hiệu quả trong công tác quản trị.
Theo ông Vũ Quang, Phó Giám đốc QTSC, quá trình ứng dụng công nghệ để thực hiện số hóa được triển khai với nhiều lĩnh vực khác nhau bằng việc đưa vào nhiều ứng dụng như: ứng dụng quản lý không gian địa lý cho cơ sở hạ tầng (GIS), tòa nhà thông minh (Smart building), nhận diện khuôn mặt (Face search), nhận diện biển số xe (Car detector), các hệ thống giám sát quản lý: chiếu sáng, môi trường, tin nhắn SMS, thông tin nội bộ (OMS), hệ thống tiếp nhận giải quyết các yêu cầu của khách hàng (Helpdesk), hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM), hệ thống quan trắc nước thải, hệ thống lưới điện thông minh (Smart grid), hệ thống thu thập dữ liệu công tơ điện từ xa, hệ thống đồng hồ nước thông minh, hệ thống báo cáo kế toán, hệ thống SMS, hệ thống free wifi…
Nắm bắt xu thế hội nhập quốc tế, hiện QTSC đã và đang triển khai và ứng dụng những giải pháp công nghệ, gần 40 ứng dụng cho hoạt động quản trị QTSC. Những hoạt động này góp phần nâng tầm QTSC lên một nước ngoặt mới, trở thành một khu đô thị phần mềm ngày một thông minh hơn, tiến đến trở thành một mô hình mẫu về đô thị thông minh đầu tiên của cả nước.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết, QTSC có lợi thế là sự tham gia của các doanh nghiệp với nền tảng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông ưu việt, nhiều kỹ sư làm việc… nên đã tích hợp thành công những ứng dụng này lại với nhau.
Các ứng dụng được triển khai và tích hợp đã tạo cho QTSC môi trường công nghệ, tiết kiệm nhiều chi phí. “Chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý hạ tầng nội khu đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Năng lực quản lý hạ tầng của đội ngũ nhân sự được nâng cao và môi trường nội khu được cải thiện rõ rệt. Từ đó giảm chi phí vận hành và tiết kiệm nhân sự”, ông Vũ Quang chia sẻ.
Trong những giai đoạn tiếp theo, ông Vũ Quang cho biết, QTSC sẽ tích hợp thêm nhiều ứng dụng vào hệ thống. Không chỉ đóng vai trò trong việc quản lý tập trung, mà còn được lập trình tự động, đưa các thông tin cảnh báo khi có sự cố xảy ra, tự tạo quy trình xử lý tự động, giúp cho việc phối hợp xử lý thông tin, sự cố của các bộ phận có liên quan một cách nhanh chóng, tăng cường việc tự động hóa sự tương tác giữa các bộ phận lẫn nhau, góp phần tăng giá trị dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Từ những kết quả đạt được ban đầu, QTSC tiếp tục kiên trì tối ưu hóa, mở rộng phát triển thêm các ứng dụng công nghệ, từng bước tích hợp dữ liệu, các ứng dụng trên một nền tảng và hướng tới nền tảng mở cho bên thứ 3 khai thác. Đến nay, QTSC đang hoàn thiện Hệ thống giám sát điều hành khu Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC Integrated Operation Center IOC) được xây dựng và triển khai ứng dụng tại QTSC từ đầu năm 2018 được xem như là dự án đầu tiên thí điểm của TPHCM trong định hướng xây dựng thành phố thông minh nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại trong quá trình vận hành và phát triển một khu đô thị phần mềm điển hình đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam.
Trên các nền tảng nêu trên, QTSC tham gia Ban điều hành và Tổ giúp việc triển khai xây dựng Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, hướng đến 2025” theo quyết định số 4693/ QĐ-UBND ngày 8 tháng 9 năm 2016 của UBND TPHCM. Theo đó, đề án này tập trung vào việc xây dựng chính quyền điện tử; ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp và các vấn đề bức xúc liên quan đến an sinh cuộc sống của dân …. mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Thành phố trên các lĩnh vực.
Những hoạt động này góp phần nâng QTSC lên một tầm cao mới mới, trở thành một khu đô thị phần mềm ngày một thông minh hơn, tiến đến trở thành một mô hình mẫu về đô thị thông minh đầu tiên của cả nước, trực tiếp góp phần tạo nên nền tảng để TPHCM là điểm đến cho làn sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ông Lâm Nguyễn Hải Long mong muốn, hệ thống này có thể triển khai rộng rãi, chia sẻ với cộng đồng cho mục tiêu phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Trước mắt, QTSC mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp cho các khu Công nghiệp, khu chế xuất, khu CNTT tập trung trên phạm vi cả nước, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Nhân rộng mô hình QTSC đi nhiều tỉnh thành
Mô hình QTSC được đánh giá là mô hình thành công, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và nhiều địa phương trong cả nước nghiên cứu học tập để rút ra bài học, kinh nghiệm trong quá trình tổ chức xây dựng và phát triển các khu công nghệ. Thương hiệu QTSC được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đóng góp vào xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành CNTT và phần mềm Việt Nam.
Nhiều đoàn khách nước ngoài đã đến khu tìm hiểu ngành công nghệ thông tin, phần mềm Việt Nam. Ðể thúc đẩy và góp phần chuyển giao mô hình, kinh nghiệm và rút ngắn quá trình xây dựng cho các địa phương, TPHCM đã chỉ đạo Sở TT & TT thành phố phối hợp cùng QTSC nghiên cứu nhân rộng mô hình QTSC theo chuỗi. Trên cơ sở này, năm 2016, Chính phủ công bố Quyết định số 333/QÐ-TTg về thí điểm thành lập Chuỗi QTSC. Ðến nay, Chuỗi QTSC có ba thành viên chính thức gồm: QTSC, ITP (Khu Công nghệ phần mềm Ðại học Quốc gia TPHCM và Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT). Theo các chuyên gia, hiệu quả, lợi ích của Chuỗi QTSC đã tạo được sự lan tỏa, và có bảy tỉnh, thành phố quan tâm mong muốn xây dựng khu công nghệ để tham gia vào chuỗi trong tương lai gần, gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Bình Ðịnh, Cần Thơ, Tây Ninh, Khánh Hòa, và Bình Dương.
Mục tiêu phát triển QTSC là xây dựng thành công mô hình công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam trong số 8 công viên phần mềm của cả nước, tạo thành điểm thu hút đầu tư quan trọng cho ngành phần mềm Thành phố và quốc gia.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết: Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung là một trong những giải pháp sáng tạo của thành phố để phát triển ngành công nghiệp CNTT ở thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Mô hình này cũng góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai, xây dựng khu CNTT, công viên phần mềm. Cùng với đó, việc phát triển chuỗi đã nâng cao vai trò thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNTT, phát huy thế mạnh của từng thành viên, tương hỗ lẫn nhau, tạo ra sức mạnh tổng thể để cạnh tranh với các nước. Thông qua mô hình này, thành phố đã thể hiện được vai trò dẫn dắt, nòng cốt liên kết một số tỉnh, thành phố phát triển chuỗi công viên phần mềm dưới sự hỗ trợ của Chính phủ để phát huy tối đa các lợi thế, nguồn lực sẵn có của thành phố.
Ngoài ra, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là một trong những chỉ tiêu quan trọng của chuỗi với nòng cốt là khu ITP được định vị là khu khởi nghiệp trong lòng đại học, cung cấp nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Do đó, tại ITP, thành tựu không được đo lường bằng doanh thu của doanh nghiệp mà được tính bằng các chỉ số trong lĩnh vực khởi nghiệp. Các thành viên trong chuỗi cũng đã phối hợp cùng ITP đẩy mạnh các hoạt động tương tác, truyền thông, thu hút DN CNTT, giúp số lượng DN tăng lên nhanh chóng. ITP cũng phối hợp với các thành viên của chuỗi trong các hoạt động tư vấn, mở rộng mô hình chuỗi tại các địa phương khác.
Từ Software city đến Science city
Để đảm bảo vị thế là vai trò đầu tàu trong ngành CNPM của Việt Nam, từ năm 2016, lãnh đạo QTSC cũng đặt ra mục tiêu phải chuyển mình, thay đổi cách làm để tiếp cận công nghệ mới và thúc đẩy việc gia tăng giá trị sản phẩm - dịch vụ của doanh nghiệp nội khu phát triển và thực hiện.
Theo đó, CVPM Quang Trung từng bước chuyển mình và có những định hướng nâng tầm phát triển để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Trong bối cảnh mới này, bên cạnh các mục tiêu thu hút và phát triển các DN gia công, xuất khẩu phần mềm, QTSC dần định hướng và thúc đẩy cộng đồng DN tiến hành những nghiên cứu, thử nghiệm để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ và giải pháp hướng đến phục vụ thị trường nội địa vốn vẫn còn nhiều cơ hội phát triển nhằm tăng sự đóng góp cho nền kinh tế xã hội.
Sự chuyển đổi đó thay vì khuyến khích doanh nghiệp làm gia công phần mềm, khuyến khích doanh nghiệp có quy mô lớn thì QTSC hướng đến, khuyến khích những doanh nghiệp có sản phẩm trí tuệ cao, ứng dụng các công nghệ mới có khả năng cạnh tranh với thế giới.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long nhấn mạnh: “QTSC đang đi theo mô hình Tech Hub. Đó là nơi cung cấp các giải pháp công nghệ, nơi có uy tín trong các sản phẩm phần mềm, nơi các nước khi tìm hiểu về ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam phải đến với chúng tôi. Nói nôm na, QTSC như là một “chỉ dẫn địa lý” cho ngành phần mềm Việt Nam trên bản đồ phần mềm thế giới”.
Và để doanh nghiệp chuyển đổi và thực hiện theo định hướng này thì chính bản thân đơn vị quản lý QTSC phải hành động đầu tiên. Hòa theo xu hướng phát triển, QTSC bắt đầu đẩy mạnh hợp tác với một số tổ chức tham gia nghiên cứu và ứng dụng CNTT trong nông nghiệp. Hệ thống nông nghiệp công nghệ cao (Smart Agri) ra đời giúp tự động hóa quản lý trồng trọt trong nhà màng (greenhouse)...
Từ năm 2018, QTSC đầu tư xây dựng phòng Lab rộng hơn 1000 mét vuông tập trung vào những công nghệ mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo, robotics… Lab này sẽ là nơi thu hút những dự án ứng dụng công nghệ nói trên, biến thành những doanh nghiệp mạnh và kết nối thẳng với thị trường bên ngoài như Silicon Valley, Nhật Bản. Điều kiện để tạo ra giá trị kinh tế trong hoạt động này là doanh nghiệp phải có sản phẩm độc đáo và cộng với trí tuệ và tiềm lực của các bạn khởi nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, trên thực tế họ cũng đã nhanh chóng hòa nhập và thích ứng với sự chuyển đổi theo định hướng đề ra của QTSC. Đơn cử như tại công ty TMA Solutions ở thời điểm đầu hoạt động chỉ làm phần mềm viễn thông cho thị trường Mỹ và Canada. Sau đó, TMA nhanh chóng mở rộng sang châu Âu, Nhật Bản và Úc… cùng với các ngành khác như tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, logistics, y tế, giáo dục, xe hơi với gần 3.000 kỹ sư… Trong đợt COVID-19 vừa qua, TMA đã nghiên cứu rất nhiều ứng dụng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong đó có ứng dụng tích hợp nhắc nhở đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và chấm công...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA Solutions, đây là bước chuyển đổi hoàn toàn hợp lý của lãnh đạo QTSC. TMA đã nhận được sự ưu đãi cho ngành phần mềm về thuế thu nhập doanh nghiệp, hạ tầng, quảng bá xúc tiến thương mại... Những cơ chế như vậy đã giúp công ty có thêm nguồn lực, tăng năng lực cạnh tranh quốc tế trong những năm đầu, cũng như có thêm nguồn lực đầu tư vào R&D, mở rộng hạ tầng ngay tại QTSC cũng như vươn ra các tỉnh khác và hoàn toàn đủ năng lực tham gia phát triển các dự án “smart city” mà TPHCM đang theo đuổi.
Không riêng TMA Solutions mà hiện có nhiều doanh nghiệp phần mềm khác tại QTSC đã và đang chuyển đổi phát triển theo định hướng này. Không còn chỉ là sản xuất phần mềm mà các doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất phục vụ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau. Phần lõi vẫn là phần mềm nhưng đã gắn thêm với cơ - điện tử, truyền thông, y khoa,… Quan trọng hơn, không ít doanh nghiệp Việt nơi đây cũng chuyển sang đổi mới sáng tạo, tức tự làm ra những sản phẩm công nghệ, giải pháp cung cấp cho khách hàng, thị trường chứ không nhất thiết chỉ gia công, đặt hàng cho các công ty nước ngoài như trước đây.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, QTSC cũng phải chuyển đổi”, ông Lâm Nguyễn Hải Long khẳng định, và ông cho rằng QTSC cần chuyển đổi sang “chiếc áo” rộng hơn, từ công viên phần mềm (Software City) định hướng xây dựng trở thành công viên khoa học/ thành phố khoa học (Science City) như mô hình đã có tại không ít quốc gia. Và theo ông Long, xây dựng QTSC thành một công viên khoa học trước hết phải tự nâng tầm mình lên, làm cho mình trở thành một trung tâm cung cấp các giải pháp công nghệ (Tech Hub), biến QTSC trở thành một nơi tìm kiếm một cách chủ động của các đối tác vì mình chính là trung tâm tập hợp và kết nối được các nguồn lực, sản phẩm, giải pháp công nghệ tại Việt Nam.
Một khi đã định hướng QTSC sẽ phát triển thành một công viên khoa học thì khi đó, các mũi nhọn đầu tư về R&D công nghệ mới sẽ ưu tiên tập trung vào. Bức tranh của QTSC trong năm năm tới được người đứng đầu nơi đây phác họa như sau. Thứ nhất nó là một hệ sinh thái hoàn chỉnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là lĩnh vực phần mềm cũng như các ngành khoa học khác. Đặc biệt QTSC đang hướng tới khoa học sự sống (life science) để làm sao tích hợp được khoa học sự sống với CNTT vào trong lĩnh vực y tế, sinh học... Thứ hai, QTSC tiếp tục khai thác thế mạnh đang có nhằm tạo ra thêm những doanh nghiệp có quy mô trên nghìn người. Và điểm thứ ba là tiếp tục phát triển các khu sáng tạo, khu nghiên cứu,… làm động lực thúc đẩy và phối hợp với các doanh nghiệp trong nội khu để tạo ra những sản phẩm “Made in Vietnam”. Trước mắt, QTSC có thể làm ngay là chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nội khu, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. QTSC đã có trải nghiệm về chuyển đổi số và nó đang là xu thế mà các doanh nghiệp không thể không triển khai.
Và đề án đô thị thông minh của TPHCM cũng là cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ tại QTSC có thể tiếp cận thị trường nhiều hơn, dễ hơn. Thay vì trước đây doanh nghiệp phải bôn ba bên ngoài thì nay ngay chính trong thành phố đã có những chương trình, dự án... do vậy doanh nghiệp có điều kiện tham gia tốt hơn.
“Chúng tôi hướng doanh nghiệp của mình không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà hướng đến thị trường nước ngoài. Hằng năm QTSC có lực lượng doanh nghiệp khá hùng hậu đi xúc tiến thương mại ở nước ngoài. Bản thân QTSC cũng là điểm đến của các đoàn nước ngoài. Và chúng tôi luôn tận dụng điều đó để tạo môi trường kết nối với doanh nghiệp trong nước”, ông Long chia sẻ.
Bước sang giai đoạn mới, giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0, của chuyển đổi số, của thương hiệu toàn cầu, QTSC tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đầu tư để từ Software City bước đến Science City và phủ rộng sang nhiều tỉnh thành khác trong mối liên kết chặt chẽ cùng phát triển. Những nỗ lực đó không chỉ là hướng đi hòa nhập với xu thế của thời đại công nghiệp 4.0 mà còn là mục tiêu là làm sao cho quốc tế biết đến Việt Nam về con người, trí tuệ Việt. Đó là những hoạt động mang tính dài hơi và vất vả nhưng QTSC làm với một sự tự hào!