(Chinhphu.vn) - Mặc dù gặp khó khăn khi tổ chức hoạt động trong điều kiện phòng dịch, nhưng các DN công nghệ trong Khu Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) của TPHCM vẫn có thêm những khách hàng mới, thị trường mới và cả những cơ hội phát triển, mở rộng quy mô.
Ông Lại Đức Nhuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ ATALINK cho biết, nhiều kế hoạch phát triển của công ty đã phải tạm hoãn, hoặc thay đổi. Với đặc thù cần bảo mật của công ty công nghệ, thì việc tổ chức làm việc tại nhà là không dễ dàng, nhưng để chung tay phòng chống dịch, ATALINK đã chấp hành nghiêm túc.
Vậy mà trong điều kiện hoạt động không bình thường như vừa qua, DN đã tận dụng nền tảng công nghệ của mình hợp tác với các sở, ban, ngành của gần 20 tỉnh, thành phố là điểm nóng dịch bệnh để hỗ trợ DN trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp theo dõi dữ liệu, đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19, thực hiện các báo cáo nhanh về tình hình phòng, chống dịch cho BCĐ các cấp.
Ngoài ra, với giải pháp quản trị chuỗi cung ứng và sàn giao dịch thương mại điện tử B2B, DN có bước phát triển tích cực trong đại dịch, do các nhãn hàng cần kênh quảng bá, tiếp thị và bán hàng trực tuyến đến cộng đồng DN, nhất là đến những DN trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp.
Trong khi đó, Sunbytes, một DN nhỏ và vừa trong QTSC, với dịch vụ cung ứng đội nhóm lập trình chuyên nghiệp cho các DN tại châu Âu và châu Mỹ, đã cho toàn bộ nhân viên làm việc tại nhà kể từ ngày 31/5. Chuyển đổi sang hình thức làm việc từ xa, quản lý điều hành online không phải khó khăn với Sunbytes, nhưng việc hạn chế đi lại theo quy định phòng dịch đã khiến công ty gặp khó khăn trong việc vận chuyển trang thiết bị đến nhân viên mới.
Một trở ngại khác là làm sao để duy trì hiệu suất làm việc, tăng cường sự kết nối của người lao động với công ty trong thời gian giãn cách… Sunbytes đã khảo sát về sự hài lòng của nhân viên sau thời gian áp dụng biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị 15 và kết quả 37,5% nhân sự cho rằng họ gặp khó khăn về môi trường làm việc trong thời gian giãn cách xã hội.
Để giải quyết vấn đề trên, Sunbytes đã thực hiện rất nhiều biện pháp, như tạo ra nhiều kênh giao tiếp để tăng cường kết nối giữa các nhân viên, tất cả các hoạt động gắn kết đều được duy trì, như tổ chức sinh nhật, sinh hoạt câu lạc bộ ăn sáng hàng tuần, tổng kết toàn công ty... Kết quả khảo sát gần đây nhất cho thấy, 84% nhân sự cảm thấy khá thoải mái và hài lòng khi được công ty sắp xếp làm việc tại nhà.
Do vậy, mặc dù xáo trộn về tổ chức hoạt động, nhưng Sunbytes vẫn duy trì cung cấp dịch vụ tới hơn 125 khách hàng trên toàn thế giới và bảo bảo đảm tiến độ của 180 dự án.
Trong khi đó, Công ty TNHH Swiss Post Solutions (SPS), một DN công nghệ 100% vốn đầu tư nước ngoài, với hơn 1.600 nhân viên hầu hết đang làm việc tại nhà (ngoại trừ các nhân viên phải làm việc tại công ty từ ngày 15/7 do tính chất bảo mật của khách hàng), nhưng vẫn bảo đảm cung ứng dịch vụ xử lý dữ liệu cho các DN ở Mỹ, châu Âu. Đặc biệt, SPS vẫn đủ năng lực tăng thêm 3 dự án mới, nâng tổng số dự án tại thời điểm này lên 42 và vẫn bảo đảm chức năng trung tâm xử lý dữ liệu đầu vào của Tập đoàn SPS toàn cầu.
Cũng gặp vướng mắc trong kết nối nhân sự mới vào mạng lưới của DN khi hầu hết cán bộ, nhân viên đã làm việc từ xa, TMA Solutions đã cử các đầu mối IT đến tận nhà hướng dẫn cho nhân viên mới. Ngay từ ngày 15/7, một nhóm IT, kỹ thuật hạ tầng đã được bố trí làm việc, ăn ở tại công ty và cứ 2 tuần sẽ có nhóm mới thay thế, cùng với đó là xét nghiệm cho các nhóm luân phiên trước khi ra-vào. Nhờ sự thích ứng nhanh như vậy, trong 2 tháng thực hiện các biện pháp giãn cách, với hơn 2.000 nhân viên, TMA Solutions không chỉ duy trì hoạt động, mà còn phát triển khách hàng mới.
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Tổng Giám đốc TMA Solutions cho biết, hầu hết khách hàng của DN là ở Mỹ, Australia. Những khách hàng này trước nay thường cân nhắc chọn đối tác gia công giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thời gia vừa qua, mặc dù dịch bệnh bùng phát, nhưng TMA thích ứng nhanh, gần như không để gián đoạn hoạt động, và điều này đã trở thành “điểm cộng” với khách hàng.
“Khách hàng bên Australia có trung tâm tại Ấn Độ, nhưng họ gặp khó khăn để duy trì hoạt động khi dịch bùng phát. Do vậy họ chuyển nhiều phần việc qua TMA thực hiện. Thậm chí có những khách hàng hoàn toàn mới, do cũng gặp khó khăn với đối tác Ấn Độ nên đã chuyển hướng qua TMA phát triển một số việc mà trước đây họ chỉ thực hiện tại Ấn Độ”, ông Nguyễn Hữu Lệ cho biết.
Không chỉ thế, chính trong thời điểm tưởng chừng khó khăn này, TMA lại có những cơ hội để vượt lên năng lực gia công phần mềm của mình hiện nay, đó là việc tham gia liên doanh với các DN nước ngoài khác.
Theo ông Nguyễn Hữu Lệ, hiện nay làn sóng startup tại Mỹ phát triển đột phá, thêm nhiều “kỳ lân” và họ thiếu người. Đây là cơ hội cho các DN công nghệ thông tin có năng lực như TMA tham gia liên doanh. Ngay cả với thị trường Australia cũng vậy, vừa qua TMA đã liên doanh với một vài đối tác Australia để phát triển một số sản phẩm liên quan đến giải pháp quản lý nhân lực cho một số ngành nghề.
Các thị trường Mỹ, Australia, châu Âu đang phục hồi. Nhu cầu làm phần mềm ngày càng tăng, nhưng lao động quay trở lại làm việc giảm mạnh, do đó nhiều khách hàng sẽ cần đối tác bên ngoài thực hiện. Ngoài ra, dù là khu vực đang phục hồi, hay khu vực còn ảnh hưởng dịch bệnh, thì các DN, các cơ sở kinh doanh hiện đều có phương án quản lý online, thực hiện số hoá nhanh hơn… Đây là cơ hội đối với DN công nghệ thông tin tại Việt Nam ngay trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Cùng với sự khả quan ở thị trường xuất khẩu, TMA đang nghiên cứu phát triển một số giải pháp cho TPHCM, như giải pháp quản lý F0 tại nhà. Những ngày này, DN cấp tốc phát triển phần mềm quản lý hệ thống xe cấp cứu cho Trung tâm 115 vừa được Thành phố đặt thêm cơ sở tại QTSC.
Do vậy, Tổng giám đốc TMA Solutions cho rằng, ngay cả khi việc giãn cách có thể kéo dài thêm, cũng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của DN, và ông nhìn thấy tín hiệu tích cực cho những tháng còn lại của năm 2021.
6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu của các DN tại QTSC ước đạt 4.945 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị xuất khẩu ước đạt 175,94 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Hiện nay, tại QTSC có 155 DN phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và các DN khởi nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có 52 DN nước ngoài và 103 DN trong nước, với tổng vốn đăng ký kinh doanh là 2.311 tỷ đồng. Trong số các DN này có nhiều DN quy mô hơn 1.000 nhân sự, như Hitachi Vantara, Concentrix (Mỹ), SPS (Thụy Sĩ), Digi Texx (Ðức), Misa (Việt Nam) và TMA Solution (Việt Nam). Các DN cung cấp hơn 650 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp công nghệ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ yếu được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia, nhiều nhất là cho khách hàng ở Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. |
Băng Tâm