Chiều ngày 05/11/2021, TS.BS Nguyễn Văn Hảo đã trả lời nhiều câu hỏi đặt ra từ khách hàng, đối tác và nhân sự làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung chủ đề “Covid-19 và các đối tượng có nguy cơ cao”. Các câu hỏi đều được bác sĩ trả lời rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu.
- Kính thưa bác sĩ, theo em được biết thì bệnh hen suyễn là bệnh liên quan đến đường hô hấp và gây khó khăn trong việc thở. Mà một biểu hiện của người mắc Covid-19 cũng là khó thở. Vậy thì làm cách nào để người mắc hen suyễn biết mình đã mắc Covid-19 nếu chỉ có biểu hiện là khó thở? Và người mắc hen suyễn thì nên làm gì để phòng tránh lây nhiễm bởi Covid-19?
Biểu hiện khó thở của bệnh hen suyễn khác những bệnh lý hô hấp khác, đặc biệt là Covid. Ví dụ, bệnh hen suyễn khó thở ở thì thở ra và nghe tiếng thở khò khè, còn Covid gây suy hô hấp nên ảnh hưởng lên cả hai thì thở, gây tổn thương đường hô hấp dưới, có biểu hiện viêm phổi là chính.
Người bị hen suyễn thường dùng rất nhiều loại thuốc, đặc biệt là những thuốc dạng khí dung để giúp giãn phế quản và những loại thuốc xịt để kháng viêm.
Hình 1: TS.BS Nguyễn Văn Hảo đang tư vấn chủ đề “Covid-19 và các đối tượng nguy cơ cao”
- Kính thưa bác sĩ, người mắc bệnh nền đang sử dụng các loại thuốc để điều trị thì nếu mắc Covid-19 thì có tiếp tục uống thuốc điều trị bệnh nền không? Nếu có thì việc sử dụng song song cả hai loại thuốc có làm ảnh hưởng đến bệnh nền đang mắc không? Và sau khi khỏi Covid-19 thì bệnh nền đó có bị nặng hơn không?
Thông thường những người mắc bệnh nền sẽ có những loại thuốc họ phải uống thường xuyên, như tiểu đường, huyết áp, tim mạch,… nên khi mắc Covid-19 thì họ vẫn phải tiếp tục dùng những thuốc này để điều trị bệnh nền. Người bệnh sẽ được điều trị song song, nếu hai loại thuốc này có tương tác với nhau thì phải thay đổi liệu pháp điều trị cho phù hợp. Vì vậy khi mắc bệnh Covid-19 người bệnh phải khai báo y tế các loại bệnh nền mình đang điều trị, cũng như những loại thuốc mình đang uống để y bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị đồng thời hai loại bệnh một cách tốt nhất.
Thông thường bệnh nền sẽ làm cho bệnh Covid-19 nặng thêm. Còn ngược lại, chỉ đối với những trường hợp bị Covid-19 nặng, gây viêm phổi, suy hô hấp, sau khi khỏi bệnh phổi sẽ bị sơ hóa một phần, để lại sẹo trên phổi, làm chức năng hô hấp bị suy giảm. Tuy nhiên, Covid chỉ gây ảnh hưởng lên bệnh nền trong quá trình điều trị. Sau khi hồi phục Covid, người bệnh vẫn điều trị bệnh nền như cũ và nó cũng không gây ảnh hưởng gì đến diễn tiến của bệnh nền sau đó.
- Kính thưa bác sĩ, nhiều người trẻ không thuộc các đối tượng nguy cơ cao, nhưng khi mắc Covid-19 vẫn bị rất nặng và cũng có nhiều trường hợp bị tử vong, xin bác sĩ giải thích lý do vì sao ạ?
Theo nghiên cứu, dựa theo lứa tuổi và bệnh nền, tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong cao rơi vào đối tượng người già, người trên 50-60 tuổi, có bệnh nền,… Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có một vài trường hợp người trẻ nhưng vẫn có thể bị Covid-19 nặng, dù cơ địa không có gì đặc biệt, không bị béo phì, không phải phụ nữ mang thai. Những trường hợp này có thể liên quan tới vấn đề khiếm khuyết miễn dịch nào đó, ví dụ khiếm khuyết miễn dịch bẩm sinh, thiếu bổ thể hoặc một số thành phần khác mà chúng ta chưa hiểu hết được. Về việc đánh giá đúng về vấn đề suy giảm miễn dịch bẩm sinh, hiện tại trong điều kiện của chúng ta chưa thể thực hiện được.
- Kính thưa bác sĩ, có thông tin về việc bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải tiêm liều tăng cường vaccine Covid-19. Thông tin này có đúng không ạ? Có nên tiêm hay không và có gây nguy hiểm gì không ạ? Vậy thì đối tượng nào nên tiêm liều tăng cường vaccine Covid-19, thưa bác sĩ?
Những bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo là những đối tượng có tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến 80-90% khi nhiễm Covid-19. Vì vậy chúng ta cần có sự tăng cường bảo vệ đặc biệt bên cạnh những biện pháp phòng thủ thông thường, như là cố gắng cho những đối tượng này không bị nhiễm Covid, tiêm vắc xin mũi tăng cường. Theo những thông tin hiện nay thì việc tiêm mũi tăng cường cho những đối tượng có nguy cơ cao này cũng không gây ảnh hưởng gì đáng ngại.
Việt Nam hiện chưa công bố chính thức vấn đề này. Còn theo CDC Mỹ, đối tượng ưu tiên đầu tiên là người già trên 65 tuổi nên tiêm mũi thứ 3 sau 6 tháng. Sau đó là các đối tượng mắc bệnh nền, từ 50-65 tuổi và có mắc bệnh nền (tiểu đường, huyết áp, tim mạch, thận mạn, phổi mãn tính,…), những người suy giảm miễn dịch (HIV,…). Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam một số địa phương tỷ lệ tiêm mũi 1 vẫn còn rất thấp, nên vấn đề tiêm mũi tăng cường vẫn đang được cân nhắc thêm.
- Theo báo chí có đưa tin về tình trạng xơ phổi hậu Covid-19, thì có phải là người mắc các bệnh về phổi thì đều bị xơ phổi hậu Covid-19 không? Bệnh này có nguy hiểm không? Cần chăm sóc điều trị như thế nào thưa bác sĩ?
Người mắc các bệnh lý về phổi như viêm phổi do Covid, viêm phổi do vi trùng, bệnh mãn tính, viêm phổi do lao,… nói chung tất cả các bệnh lý do tổn thương viêm thì sau đó đều để lại tình trạng sẹo dạng xơ hóa. Tùy theo mức độ tổn thương nhiều hay ít, vùng bị xơ hóa sẽ tỷ lệ thuận theo đó. Vùng phổi đã bị xơ sẽ không còn hoạt động được nữa và gây giảm chức năng hô hấp ở người bệnh. Tuy nhiên, sau đó họ cũng có thể dần thích nghi với những hoạt động phù hợp với thể trạng của mình.
- Người sau bị Covid, có trường hợp bị hậu Covid. Vậy bệnh nhân (cả người lớn và trẻ em) sau khi khỏi bệnh có cần khám sức khỏe tổng quát không? Mong bác sĩ tư vấn cụ thể cần theo dõi sức khỏe như thế nào để biết có bị hậu Covid hay không?
Hậu Covid là từ chung chung dành cho các trường hợp sau khi bị Covid-19 bị di chứng về thần kinh, phổi, mạch máu dễ bị thuyên tắc. Những người bị Covid mà bị hậu Covid thông thường là những người bị bệnh nặng, phải thở máy. Đối tượng Covid nhẹ, ít triệu chứng thì hầu như không bị hậu Covid, nên không cần phải đi khám tổng quát. Chỉ nên khám sức khỏe tổng quát theo định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần.
- Thưa bác sĩ, vậy các đối tượng có nguy cơ cao khi bị nhiễm bệnh nên đến bệnh viện điều trị ngay khi có triệu chứng nhẹ phải không? Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, người cao tuổi có bệnh lý nền có nên đi khám định kỳ ở các bệnh viện không hay mang đơn thuốc đi mua?
Người có bệnh nền, người có thai khi bị nhiễm Covid nên đến bệnh viện theo dõi và điều trị. Trong giai đoạn này, người bệnh nền nên đi tái khám tại bệnh viện. Không nên tự mua thuốc uống theo đơn thuốc cũ. Thông thường người bị bệnh nền phải đi tái khám và 3 tháng phải xét nghiệm, khám tổng quát, đánh giá các chức năng của các bộ phận trong cơ thể.
Hình 2: Khách tham dự chụp hình lưu niệm cùng bác sĩ Hảo
Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 1: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/chuong-trinh-tu-van-truc-tuyen-voi-ts-bs-nguyen-van-hao-ve-covid-19
Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 2: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/chuong-trinh-tu-van-truc-tuyen-dinh-ky-cua-tsbs-nguyen-van-hao-ve-xet-nghiem-covid-19-va-nhung-van-de-thuong-gap
Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 3: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/buoi-tu-van-thu-3-voi-bac-si-nguyen-van-hao-ung-xu-can-thiet-khi-phat-hien-f0-trong-doanh-nghiep-va-gia-dinh
Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 4: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/buoi-tu-van-thu-4-dieu-tri-covid-19-tai-nha-nhung-dieu-can-biet-doi-voi-nguoi-than-va-vat-nuoi
Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 5: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/bac-si-nguyen-van-hao-tu-van-chu-de-so-5-la-chan-nao-cho-tre-em-trong-dai-dich-covid-19
Nguồn: QTSC