Chiều 20/10/2021, Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Hảo đã chia sẻ một số thông tin về “Điều trị Covid-19 tại nhà – những điều cần lưu ý với người thân và vật nuôi” tại buổi giao lưu trực tuyến với các khách hàng, đối tác và cán bộ nhân viên của QTSC.
Theo bác sĩ Hảo thì nguy cơ động vật lây lan SARS-CoV-2 sang người rất thấp. Tại thời điểm này, không có bằng chứng nào cho thấy động vật đóng vai trò quan trọng trong việc lây lan SARS-CoV-2 cho con người. Một số loại virus Corona gây bệnh ở động vật có thể bị truyền sang và lây nhiễm giữa người với người, nhưng trường hợp này hiếm khi xảy ra. Đây là điều đã xảy ra với SARS-CoV-2, loại virus có thể xuất phát từ loài dơi.
Hình 1: Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo đang trình bày về nguy cơ nhiễm Covid-19 từ thú cưng
Tiếp sau phần trình bày, bác sĩ Nguyễn Văn Hảo đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến những vấn đề lây nhiễm Covid-19 qua vật nuôi cũng như những kiến thức thông thường trong phòng, tránh và điều trị Covid-19 tại nhà.
Đối với vật nuôi trong nhà khi bị nhiễm Covid-19
1. Xin bác sĩ tư vấn cần phải làm gì sau khi vật nuôi trong nhà như chó, mèo có tiếp xúc với F0? Khi các giọt bắn của F0 dính lên lông chó mèo và mình ôm hoặc tiếp xúc gần với chúng thì có nguy cơ bị nhiễm, bác sĩ có thể chia sẻ thêm về thông tin này. Hiện nay có cơ sở nào xét nghiệm Covid-19 cho vật nuôi không ạ?
Nên hạn chế cho chó mèo tiếp xúc với các ca F0. Thường xuyên tắm rửa chó mèo bằng xà phòng. Không nên phun thuốc khử khuẩn lên chó mèo, do rất độc hại có thể gây ngộ độc. Hạn chế vuốt ve chó mèo, sau khi tiếp xúc phải rửa tay sát khuẩn và tuyệt đối không để chó mèo liếm lên mặt, không ngủ chung chó mèo.
Nếu vật nuôi bị nhiễm SARS-CoV-2 cũng có các triệu chứng như sốt, bỏ ăn, ho, hắc xì, lừ đừ, ói, tiêu chảy,… nhưng không đến mức nặng gây chết. Ngoài ra, chúng ta nên đối xử với vật nuôi như những thành viên khác trong gia đình khi có F0, thường xuyên tắm rửa, vệ sinh.
Tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận trạm thú y nào có xét nghiệm Covid-19 cho vật nuôi. Tuy nhiên, tương lai có khả năng sẽ có, như một số nước như Hàn Quốc,…
Các loại thuốc dân gian có trị hết Covid-19?
2. Tôi nghe nói trong dân gian có bài thuốc sử dụng địa long (giun đất) để chữa Covid-19, bác sỹ có thể cho biết thêm thông tin về vấn đề này?
Nguyên tắc chung mọi nguời nên biết, tất cả thuốc dân gian của mình không thể chữa được những triệu chứng nặng như thuốc tây y. Thứ nhất, thuốc dân gian sẽ không biết rõ liều lượng. Thứ 2, nếu mình sử dụng quá liều hoặc ít hơn cũng gây ngộ độc, nguy hiểm. Trong con giun đất có những thành phần có lợi và những thành phần có hại mình không nắm rõ. Kể cả thuốc tây y cũng có phản ứng phụ nhưng mình đã được nghiên cứu, thử nghiệm nên nắm rõ tác dụng phụ là gì, nguy hiểm ra sao.
Thuốc đông y không thể thay thế các loại thuốc kháng virus, nhiễm trùng và đặc biệt là không thể thay thế oxy cho những người bị suy hô hấp. Phải tuyệt đối theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
3. Thưa bác sĩ, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, nhiều trang mạng xã hội lan truyền rộng rãi thông tin gừng, sả, chanh,… có công dụng ngăn ngừa virus Covid-19. Bài thuốc này có thực sự hiệu quả không ạ? Nhóm người nào nên hạn chế uống nước gừng, sả, chanh ạ?
Chanh, gừng, sả là những thực phẩm chúng ta dùng hàng ngày, tuy nhiên với liều lượng nhỏ. Do đó, nên dùng vừa phải, không nên lạm dụng uống quá nhiều. Đặc biệt, đối với những người bị đau bao tử nên cẩn thận khi dùng quá nhiều chanh có thể gây loét, thủng bao tử.
Các trường hợp lây nhiễm Covid và điều trị
4. Trong quá trình ủ bệnh, kết quả xét nghiệm ban đầu vẫn âm tính thì nồng độ virus thời điểm này có đủ để lây lan cho người xung quanh không?
Test phát hiện virus thường là test nhanh hoặc test PCR, nếu giai đoạn đầu tải lượng virus thấp có thể không phát hiện được, đặc biệt là giai đoạn nung bệnh nhưng vẫn có thể lây cho người xung quanh.
5. Bác sĩ ơi, tại sao trong một gia đình sau khi test nhanh có người dương tính, có người âm tính. Sống chung một nhà, cùng sinh hoạt, ăn uống chung tại sao có người bị nhiễm bệnh, có người không ạ?
Thông thường nếu có người F0 thì đa số những thành viên trong gia đình sẽ bị lây, vì biến thể delta là siêu lây, hệ số lây nhiễm rất cao.
Tuy nhiên, trong thực tế có những gia đình người này bị nhưng người khác lại không bị. Lý giải cho việc này, có thể người không bị nhiễm đã có miễn dịch chéo/phản ứng chéo, tức là lúc trước người này có thể đã bị nhiễm corona, một biến thể khác của corona.
Vi rút Corona có rất nhiều loài khác nhau, SARS-CoV-2 là một trong 7 loài này. Những loài trước đó có thể chỉ gây triệu chứng cảm thông thường khi bị nhiễm. Do đó, sau khi nhiễm những dòng vi rút này thì người đó đã có miễn dịch tự nhiên đối với corona, nên có thể gây phản ứng chéo với biến thể SARS-CoV-2 hiện nay. Đó là những nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài để giải thích cho vấn đề này.
6. Đối với những F0 thì bao lâu có thể đi làm và sinh hoạt bình thường?
Đối với các F0 điều trị ở bệnh viện thì sau khi xuất viện nên ở nhà cách ly thêm hay F0 điều trị tại nhà thì quá trình nhiễm và khỏi trong thông thường trong khoảng 14 ngày, sau đó phải tự cách ly ở nhà thêm 7 ngày tổng cộng là 21 ngày thì ít có khả năng lây cho người khác.
Vì thế, đối với các đồng nghiệp bị F0 nên được công ty tạo điều kiện nghỉ ở nhà 3 tuần. Sau đó thì các F0 có thể tiếp tục trở lại công ty làm việc và không có khả năng lây nhiễm cho người khác.
Vắc xin đối với các bà mẹ đang mang bầu và nuôi con bằng sữa mẹ
7. Tôi đang có con nhỏ và đang cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Nếu không may bị nhiễm Covid-19 thì tôi có thể tiếp tục cho bé bú không? Làm cách nào phòng tránh.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá của em bé. Trong giai đoạn này thì người mẹ nếu cho em bé bú người mẹ phải khử khuẩn trước, đeo khẩu trang kỹ tốt nhất là khẩu trang N95 và khi cho bé bú thì nên quay mặt đi. Hoặc dùng phương pháp hút sữa để người nhà cho bé uống là tốt nhất.
8. Nếu người mẹ cho con bú, người mẹ đã tiêm vắc xin thì em bé có nhận được kháng thể từ người mẹ không?
Trong trường hợp người mẹ đang mang bầu, khi người mẹ tiêm vắc xin thì kháng thể ECG có nồng độ cao vẫn có khả năng truyền kháng thể cho em bé thông qua nhau thai. Còn những em bé đang bú mẹ thì không truyền kháng thể được, vì kháng thể ECG không truyền qua đường tiêu hóa (trong trường hợp này là bú mẹ).
Dự kiến, buổi tư vấn trực tuyến tiếp theo của TS.BS Nguyễn Văn Hảo sẽ được tổ chức từ 16g00 đến 17g00, Thứ tư ngày 27/10/2021 với chủ đề “Lá chắn nào cho trẻ em trong đại dịch Covid-19?”. Quý vị vui lòng đăng ký tham dự và đặt câu hỏi cho bác sĩ tại đây: https://forms.gle/wx4pT97wTzmxVhS37 (Link tham dự trực tuyến sẽ được thông báo ngay sau khi đăng ký thành công)
Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 1: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/chuong-trinh-tu-van-truc-tuyen-voi-ts-bs-nguyen-van-hao-ve-covid-19
Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 2: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/chuong-trinh-tu-van-truc-tuyen-dinh-ky-cua-tsbs-nguyen-van-hao-ve-xet-nghiem-covid-19-va-nhung-van-de-thuong-gap
Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 3: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/buoi-tu-van-thu-3-voi-bac-si-nguyen-van-hao-ung-xu-can-thiet-khi-phat-hien-f0-trong-doanh-nghiep-va-gia-dinh