Chiều 14/10/2021 vừa qua, như thường lệ, trong khung giờ từ 16g – 17g TS.BS Nguyễn Văn Hảo – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Chống độc người lớn Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã có buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề “Các ứng xử cần thiết khi phát hiện F0 trong doanh nghiệp, gia đình”. Đây là một chủ đề nhận được rất nhiều câu hỏi và sự quan tâm của khách tham dự. Nhiều câu hỏi hay đến từ các doanh nghiệp đều được bác sĩ giải đáp một cách thỏa đáng, giúp người tham dự trang bị thêm được rất nhiều kiến thức về cách ứng xử khi gia đình, công ty có F0.
1. Câu hỏi đầu tiên đến từ chị Hương ở công ty Chainos và chị Linh ở công ty Nexcel, với nội dung: Thưa bác sĩ, doanh nghiệp cần phải làm những gì khi phát hiện có F0 trong doanh nghiệp? Xin nhờ bác sĩ hướng dẫn cụ thể hơn đối với 2 trường hợp: Trường hợp thứ nhất khi F0 phát hiện tại nhà và chưa đến công ty? Trường hợp thứ hai là khi nhân viên đã đi làm vài ngày, có tiếp xúc với nhân sự khác trong công ty và sau đó phát hiện dương tính với Covid-19 thì doanh nghiệp cần làm những gì?
Đầu tiên, công ty phải hỗ trợ cho cá nhân. Thứ hai, công ty sẽ phải quản lý những đối tượng đã tiếp xúc với F0, không để bùng dịch tại công ty.
- Hỏi thăm tình hình sức khỏe, điều kiện gia đình của nhân viên bị F0, động viên tinh thần cho họ. Cho họ được tạm nghỉ tối thiểu 02 tuần, hoặc tùy theo từng doanh nghiệp. Nếu được doanh nghiệp nên có phân công nhân sự liên lạc hàng ngày với người bị nhiễm để quan tâm, tìm hiểu tình hình xem họ có khó khăn hay cần hỗ trợ gì không (thuốc, máy đo nồng độ oxy trong máu, các trang thiết bị cần thiết,…).
- Đối với doanh nghiệp: hiện tại đa số các nhân viên đều đã được tiêm 02 mũi vắc xin, do đó khi bị nhiễm bệnh cũng không có biểu hiện gì rõ ràng. Vì vậy khi phát hiện F0, doanh nghiệp phải nhanh chóng xác định những ai đã tiếp xúc gần với người nhiễm (ăn chung, nói chuyện,…) thông qua thông tin mà người nhiễm cung cấp, và khai báo y tế của các nhân viên trong công ty. Sau khi xác định danh sách các F1, tiếp tục phân loại F1 có triệu chứng và F1 không có triệu chứng. Cả hai trường hợp có hoặc không có triệu chứng (sốt, ho, nhức mỏi, uể oải,…) đều phải làm xét nghiệm nhanh ngay lập tức, nhưng F1 có triệu chứng phải được theo dõi kỹ hơn. Ở đây chúng ta không cần làm xét nghiệm PCR, vì rất tốn kém và trả kết quả chậm. Những F1 không triệu chứng, tùy điều kiện mỗi doanh nghiệp, có thể thực hiện test mẫu gộp. Nhưng những F1 có triệu chứng phải test riêng từng người.
- Đối với những trường hợp test âm tính và không có triệu chứng, tốt nhất doanh nghiệp nên bố trí cho nhân viên được làm việc tại nhà, nếu đến công ty thì nên tách riêng những F1 này ra, và hạn chế tiếp xúc với người khác.
- Sau khi test lần đầu, tốt nhất mỗi 02-03 ngày nên test lại cho người không có triệu chứng, và test hàng ngày cho người có triệu chứng. Sau 01 tuần nếu vẫn âm tính mới được xem là an toàn và không bị nhiễm bệnh.
2. Xin bác sĩ tư vấn một số loại thuốc nên mua để sẵn trong nhà phòng khi mắc Covid -19? Và ngoài thuốc ra thì có cần chuẩn bị thêm những thiết bị, thực phẩm chức năng gì khác không thưa bác sĩ?
Các bạn có thể chuẩn bị các loại thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường như paracetamol,… Ngoài ra có thể chuẩn bị thêm các loại thuốc vitamin A, D, C, các yếu tố vi lượng, không cần chuẩn bị các thuốc kháng đông, kháng vi rút. Những loại này công ty có thể chuẩn bị sẵn cho nhân viên nếu cần đến. Khi trở thành F0 các bạn phải khai báo cho địa phương để được phát thuốc điều trị.
Về trang thiết bị, cần có những loại sau:
- Nhiệt kế; Dụng cụ đo SPO2 (đo oxy trong máu) vì có những trường hợp bị tuột oxy nhưng lại không có triệu chứng gì biểu hiện ra ngoài nên rất nguy hiểm. Thiết bị này công ty nên trang bị sẵn cho nhân viên vì có thể dùng chung.
- Đối với những người lớn tuổi, có bệnh nền, bệnh huyết áp thì nên trang bị thêm máy do huyết áp tự động.
- Về thực phẩm chức năng: theo tôi thì không cần thiết, chỉ cần ăn uống những thức ăn thông thường như sữa, trái cây, vitamin,… là đã đủ.
Hình 1: TS.BS Nguyễn Văn Hảo đang tư vấn về các toa thuốc điều trị cho F0
3. Thưa bác sĩ, những nhóm đối tượng nào thì có thể điều trị Covid-19 tại nhà? Đối với những người mắc Covid-19 và đang điều trị tại nhà thì khi có biểu hiện gì thì cần phải liên hệ cơ sở y tế hoặc chuyển đến các cơ sở y tế ạ?
Nếu có điều kiện, bạn phải tự theo dõi tình trạng của mình: đo SPO2, đo nhiệt độ, các triệu chứng,… Nếu có biểu hiện như sốt thì các bạn cũng đừng quá lo lắng, đó là phản ứng của cơ thể. Nếu khi đo SPO2 mà tuột xuống chỉ còn 95% hoặc 97-98% và ho sốt nhiều thì các bạn nên đứng lên, đi tới lui hoặc lên xuống cầu thang trong khoảng 6 phút và đánh giá không giảm tức là mình không bị suy hô hấp. Trong trường hợp này vẫn được đánh giá là tình trạng nhẹ nên có thể vẫn ở nhà.
Nếu có các triệu chứng ho, sốt, tiêu chảy,… nếu cần các bạn có thể gọi điện để được tư vấn. Đặc biệt, không được lạm dụng thuốc hạ sốt! Không được dùng quá 3-4 viên một ngày (paracetamol 500mg) vì có thể gây ra viêm gan do thuốc.
4. Thưa bác sĩ, người mắc Covid-19 tự khỏi sau bao nhiêu ngày? Làm thế nào để người mắc Covid-19 biết rằng mình đã khỏi bệnh. Và sau khi khỏi bệnh bao lâu thì có thể quay trở lại doanh nghiệp để làm việc ạ?
Nếu người bệnh ở bệnh viện, khi âm tính thì về tự theo dõi tại nhà khoảng 7 ngày là có thể trở lại làm việc bình thường.
Nếu tự cách ly ở nhà, tự theo dõi và có giấy chứng nhận đã khỏi Covid-19. Thời gian tối đa khoảng 3 tuần là bạn đã có thể đi làm lại bình thường (gồm 10 ngày đến 2 tuần là thời gian phát bệnh, và thêm 1 tuần sau khi khỏi bệnh). Hầu như những ca F0 trải qua 3 tuần thì khả năng lây bệnh không còn nữa.
Có những trường hợp F0 hết bệnh sau một tháng hoặc hai tháng, xét nghiệm lại lúc âm tính lúc dương tính thì đó không gọi là tái nhiễm, mà nó chỉ là xác của con vi rút và không có khả năng lây lan bệnh nữa.
Những F0 khỏi bệnh này chính là những người có miễn dịch mạnh và tự nhiên. Vừa bảo vệ tầng hô hấp trên vừa bảo vệ tầng hô hấp dưới tốt hơn cả được tiêm vắc xin, nên vẫn cho họ được làm việc bình thường.
5. Thưa bác sĩ, sau khi phát hiện F0 trong doanh nghiệp, cần phải xử lý khử khuẩn như thế nào?
Không cần thiết phải phun khử khuẩn toàn bộ tòa nhà. Chỉ cần khử khuẩn bề mặt khu vực người đó tiếp xúc, làm việc hoặc văn phòng người F0 đó thường xuyên làm việc. Khử khuẩn những bề mặt dễ lây nhiễm như: những nơi tay của người F0 hay sờ tới như bàn làm việc, máy tính, tay nắm cửa…Còn tóc và quần áo của người F0 chỉ cần giặt, phơi dưới nắng là sẽ hết.
Đối với khu vực công cộng như canteen, phòng họp thì phải khử khuẩn không khí. Khử khuẩn không khí thì phải đóng hết cửa phòng, sử dụng máy có tia cực tím.
Hình 2: TS.BS Hảo đang trả lời câu hỏi làm gì khi phát hiện F0 trong doanh nghiệp
6. Khi công ty có nhân viên nghi ngờ là F0 thì cần dùng phương tiện gì chở nhân viên đó đi test PCR hoặc chở đến bệnh viện?
Khi test nhanh thấy người đó là F0 thì tốt nhất là nhờ người nhà đưa nhân viên đó về nhà. Sau đó nhân viên đó phải khai báo với y tế địa phương để thăm khám kịp thời. Hoặc liên lạc với y tế địa phương nơi công ty đang hoạt động để được hướng dẫn và đưa đi thăm khám.
7. Xin bác sĩ hướng dẫn F0 cách tập thở và tập thể dục như thế nào?
F0 điều trị tại nhà thì tập thở và tập thể dục như bình thường, nên đi ra khoảng không gian thoáng đãng và vắng vẻ để tập thở, hít thở không khí trong lành (như sân thượng hoặc mở cửa sổ phòng). Nên tập các bài tập hít thở 4 thì: hít sâu – nín thở - thở từ từ - hít sâu.
8. Bác sĩ cho em hỏi: Khi làm việc trong văn phòng, việc thực hiện 5K có cần thiết không? Khi mà điều kiện văn phòng mở, các phòng ban làm việc chung trong 1 không gian kín?
Phải luôn luôn thực hiện 5K, khai báo y tế, khoảng cách 2m. Nguyên tắc là 5K và vắc xin. Trong đó quan trọng nhất là vắc xin.
Hình 3: Khách tham dự chụp hình lưu niệm với bác sĩ Hảo khi kết thúc buổi tư vấn
Dự kiến, buổi tư vấn trực tuyến tiếp theo của TS.BS Nguyễn Văn Hảo sẽ được tổ chức từ 16g00 đến 17g00, Thứ tư ngày 20/10/2021 với chủ đề “Điều trị Covid-19 tại nhà – Những điều cần biết đối với người thân và vật nuôi”. Quý vị vui lòng đăng ký tham dự và đặt câu hỏi cho bác sĩ tại đây: https://forms.gle/UXjnACUkQDZBa4rd6 (Link tham dự trực tuyến sẽ được thông báo ngay sau khi đăng ký thành công)
- Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 1: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/chuong-trinh-tu-van-truc-tuyen-voi-ts-bs-nguyen-van-hao-ve-covid-19
- Xem thêm thông tin về Buổi tư vấn định kỳ lần 2: https://www.qtsc.com.vn/tin-tuc/chuong-trinh-tu-van-truc-tuyen-dinh-ky-cua-tsbs-nguyen-van-hao-ve-xet-nghiem-covid-19-va-nhung-van-de-thuong-gap
Nguồn: QTSC