Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: công nghệ số mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số sinh ra chuyển đổi số. Công nghệ số là lực lượng sản xuất mới, thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Công nghệ số sinh ra chuyển đổi số

Ngày 30/11, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin nhưng có tính cách mạng. Công nghệ số sinh ra chuyển đổi số. Công nghệ số là lực lượng sản xuất mới, thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại. Việt Nam muốn trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta phải đi trong nhóm đầu về công nghệ số, về công nghiệp công nghệ số. Nếu Quốc hội thông qua Luật này trong kỳ họp tới, Việt Nam sẽ là nhóm nước đầu tiên có một bộ luật riêng về công nghiệp công nghệ số.

Công nghiệp công nghệ số là một ngành kinh tế kỹ thuật rất năng động, rất lớn và rất quan trọng của đất nước. Có lẽ điều quan trọng nhất là phải làm rõ khái niệm công nghệ số, nhất là công nghệ số khác gì so với công nghệ thông tin. Để phân biệt công nghệ thông tin và công nghệ số chủ yếu là phân biệt đối tượng xử lý của chúng, đó là thông tin và dữ liệu. Công nghệ thông tin xử lý thông tin, công nghệ số xử lý dữ liệu. Công nghệ thông tin là số hóa thông tin và xử lý thông tin, ví dụ như số hóa văn bản và sau đó xử lý trên máy tính.

Công nghệ số sinh ra dữ liệu và xử lý dữ liệu. Dữ liệu là phi cấu trúc, là thứ chưa có ngữ nghĩa, là tài nguyên thô, chưa xử lý. Dữ liệu thì vô hạn, lớn hơn rất nhiều so với thông tin. Dữ liệu là tài nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới, là đầu vào mới của sản xuất, giống như đất đai trong thế giới thực. Con người trong quá trình phát triển thì tiêu xài và làm cạn kiệt tài nguyên và ngày nay con người phát triển sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu và giải quyết được vấn đề toàn cầu là cạn kiệt tài nguyên.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số sinh ra chuyển đổi số

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số sinh ra chuyển đổi số

Công nghệ số xử lý dữ liệu, sinh ra giá trị mới, tạo ra sự phát triển cho đất nước. Công nghệ số không chỉ xử lý dữ liệu mà công nghệ số còn sinh ra dữ liệu, tạo ra chuyển đổi số, tạo ra một không gian sinh tồn mới là không gian số, tạo ra cách thức, mô hình vận hành mới, tạo ra cách mạng số, tạo ra cách mạng chuyển đổi số. Đây là điều quan trọng nhất và căn bản nhất. Vì thế, công nghệ số là động lực chính của phát triển, của chuyển đổi số, là lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên mới. Công nghệ số xử lý dữ liệu thì tất nhiên xử lý được cả thông tin, công nghệ số bao trùm lên cả công nghệ thông tin, công nghệ thông tin thì không bao trùm lên công nghệ số.

Về mặt các công nghệ cụ thể, công nghệ số bao gồm các công nghệ thông tin thế hệ trước đây, các công nghệ số thế hệ mới đã rõ như Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, thực tế ảo và các công nghệ số khác, ví dụ như tính toán lượng tử đang nổi lên do khả năng xử lý dữ liệu lớn hơn rất nhiều.

Luật đầu tiên được dùng AI để hỗ trợ

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Công nghệ thông tin năm 2006 có 3 phần chính, phần an toàn thông tin mạng đã được tách ra thành Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; phần phát triển chủ yếu là công nghiệp công nghệ thông tin đang được tách ra thành Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến Quốc hội sẽ thông qua năm 2025; phần ứng dụng mà chủ yếu là về Chính phủ điện tử dự kiến xin phép Quốc hội tách ra thành luật về Chính phủ số và khi đó Luật Công nghệ thông tin có thể kết thúc tồn tại. Việc tách ra thành 3 luật riêng biệt để tạo ra không gian phát triển mạnh mẽ cho cả 3 lĩnh vực rất quan trọng này. Các quốc gia khác trên thế giới cũng tiếp cận theo cách này.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Quang cảnh Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về đổi mới công tác lập pháp, những vấn đề mới đang trong quá trình vận động thì luật quy định những nguyên tắc chung về quản lý và phát triển, đảm bảo quản lý phải theo kịp và kiến tạo phát triển. Sau đó, giao cho Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo sự linh hoạt. Luật Công nghiệp công nghệ số đã tiếp cận theo cách này để xử lý các nội dung tài sản số và trí tuệ nhân tạo.

Luật Công nghiệp công nghệ số cũng dành một chương riêng cho công nghiệp bán dẫn, tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn, coi chip bán dẫn là công nghệ cốt lõi. Dự thảo luật đã quy định các chính sách hỗ trợ phát triển, đảm bảo an ninh quốc gia cho ngành công nghiệp chiến lược này, nhiều chính sách tốt nhất đã được đưa vào luật để hỗ trợ cho công nghệ chiến lược này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ đầu tư thêm về nội dung công nghiệp công nghệ số xanh vì công nghệ số sẽ là lĩnh vực tiêu dùng nhiều năng lượng nhất và cả rác thải điện tử. Công nghiệp công nghệ số sẽ không chỉ xanh mà còn phải tự cường và an toàn. Bởi vậy, cơ quan soạn thảo sẽ đầu tư thêm về nội dung tự cường, an toàn và xanh.

“Về việc đồng bộ với các luật đã ban hành và đang soạn thảo, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là Luật đầu tiên được dùng AI để hỗ trợ việc phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo các văn bản pháp luật” - Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay, qua thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số để khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay, qua thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số để khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ số

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay, qua thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số để khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành, thực hiện chủ trương của Đảng về công nghệ số, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần hình thành, phát triển phương thức sản xuất số, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa nhà nước và công dân, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp gia công sang sáng tạo thiết kế, tích hợp sản xuất, làm chủ công nghệ số lõi, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội số.

Các đại biểu tham gia ý kiến, thảo luận về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, chính sách phát triển công nghệ số, phân loại tài sản số, tiền số, dữ liệu số, nguồn nhân lực trong công nghệ số, khu công nghệ số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và công nghiệp bán dẫn trí tuệ nhân tạo.

Các đại biểu nêu ý về việc bảo bảo vệ quyền riêng tư trong lĩnh vực số, trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển bền vững công nghệ số, ưu tiên phát triển công nghệ xanh và tiết kiệm năng lượng an toàn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ số, trách nhiệm chuyển giao đối với các doanh nghiệp nước ngoài trên lĩnh vực này; yêu cầu việc minh bạch, kiểm soát rủi ro khi phát triển công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.

Các đại biểu cũng đề nghị rà soát đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tham gia nhiều ý kiến vào các điều khoản cụ thể trong Dự thảo Luật. Đây là những ý kiến trách nhiệm cần nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Dự thảo Luật.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến để tiếp thu, hoàn chỉnh Dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Nguồn: Kinh tế & Đô thị - Cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội

Link bài viết: https://kinhtedothi.vn/bo-truong-bo-tttt-nguyen-manh-hung-cong-nghe-so-mo-ra-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-so.html 

---/---

* Trung tâm Viễn thông QTSC – Cung cấp đa dạng dịch vụ hạ tầng CNTT, an toàn thông tin và giải pháp ứng dụng

Website: https://telecom.qtsc.com.vn   

Điện thoại: (84-28) 3715 8888 – Ext 900 | Email: vienthong@qtsc.com.vn   

* Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) – Hệ sinh thái chuyển đổi số đa dạng và chuyên sâu

Website: https://dxcenter.org.vn 

Điện thoại: (84-28) 3715 8888 | Email: info@dxcenter.org.vn 

Xem thêm tin tức:

Chuỗi QTSC

Thành viên QTSC