Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lâm Đình Thắng; Chủ tịch Hội Nhà báo TP Trần Trọng Dũng; Chủ tịch Hội Tin học TP Lâm Nguyễn Hải Long chủ trì tọa đàm.
Buổi tọa đàm vinh dự có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức; Trưởng Phòng Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Minh Hải; lãnh đạo Hội Nhà báo TP; lãnh đạo Hội Tin học TP; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trú đóng trên địa bàn TPHCM; cùng cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) - chuyển đổi số (CĐS) TP và hơn 50 phóng viên, biên tập viên hoạt động trong lĩnh vực CNTT&CĐS tại TP.
Tham dự tọa đàm trực tuyến có Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Mai Hương Giang; Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng (Cục An toàn thông tin); Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) Đỗ Công Anh; lãnh đạo Hôi Nhà báo các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ban Tổ chức tặng hoa cảm ơn sự hỗ trợ và đồng hành của các đơn vị và doanh nghiệp
Tìm kiếm giải pháp đột phá và khả thi về chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, ông Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội nhà báo TP đã nêu bật tầm quan trọng đặc biệt của CĐS và cho rằng đây là xu thế tất yếu đối với các cơ quan báo chí Việt Nam nói chung và báo chí TPHCM nói riêng, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng năng nề cho các lĩnh vực của kinh tế - xã hội, trong đó có báo chí.
Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM nhận định, nhiều năm qua, các cơ quan báo chí TPHCM đã và đang nỗ lực chuyển đổi số trên các mặt hoạt động, thu được một số kết quả, nhất là giai đoạn vừa qua đã góp phần giúp các cơ quan báo chí TP dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo việc đưa thông tin đến với độc giả nhanh, trung thực, khách quan, không bị gián đoạn…
Tuy nhiên, hiện các cơ quan báo chí thành phố vẫn đang loay hoay với nhiều câu hỏi như: Báo chí thực hiện việc chuyển đổi số như thế nào, mô hình nào là phù hợp? Cơ chế hỗ trợ của thành phố đối với báo chí trong chuyển đổi số? Báo chí cần đồng hành như thế nào với đối tác để cùng phát triển?...
Chủ tịch Hội nhà báo TPHCM Trần Trọng Dũng phát biểu đề dẫn tọa đàm
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”. Tiếp đó, ngày 28/9/2020, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 2393/QĐ-UBND về “Chương trình chuyển đổi số của TPHCM giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Trên cơ sở đó, các cơ quan báo chí nếu không kịp thời có những giải pháp từ nội lực cũng như hỗ trợ của TP sẽ không đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, khán thính giả, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tuyên truyền, vị thế, chức năng định hướng dư luận. Thực tế cho thấy, các cơ quan báo chí đang phải vừa chuyển đổi số vừa rút kinh nghiệm để thích ứng.
Vì vậy, tọa đàm hướng đến mục tiêu tìm kiếm những giải pháp mang tính đột phá và khả thi về CĐS với các cơ quan báo chí trong bối cảnh mới, góp phần nhìn rõ thực trạng và thách thức CĐS trong các cơ quan báo chí TPHCM. Đồng thời, tọa đàm tạo cơ hội để báo chí và cơ quan quản lý trong lĩnh vực TT&TT có cơ hội đối thoại trực tiếp với các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT và CĐS để trao đổi, tìm kiếm một số giải pháp CĐS phù hợp.
Chuyển đổi số không chỉ là việc ứng dụng công nghệ thông tin
Đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nhấn mạnh, với tính chất đặc thù của các cơ quan báo chí, chất lượng và tốc độ thông tin quyết định hiệu quả hoạt động, thì sự hỗ trợ của CNTT &CĐS cùng với các kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn của các lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên sẽ góp phần rất lớn trong thay đổi toàn diện hoạt động của từng cơ quan báo chí. Đặc biệt, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng CNTT vào hoạt động mà còn thay đổi cả quy trình làm việc và tư duy.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cũng cho rằng, TP vừa trải qua thời gian dài giãn cách xã hội vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Những thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh đem lại nhiều khó khăn, thử thách lớn cho TP. Nhưng đây cũng chính là thời cơ cho những ai nắm bắt được xu thế và ứng dụng được CNTT vào hoạt động cụ thể. Vì vậy, buổi tọa đàm càng có ý nghĩa quan trọng và phù hợp khi TP vừa trở lại trạng thái bình thường sau đợt dịch lần thứ 4 bùng phát với diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng CNTT vào hoạt động mà còn thay đổi cả quy trình làm việc và tư duy. Thông tin nhanh hay chậm có thể thay đổi đến hàng nghìn độc giả. Cùng với công nghệ, vai trò ảnh hưởng của các cơ quan báo chí ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
“Việc chuyển đổi cần thực hiện một cách căn cơ, toàn diện. Nếu chúng ta làm chủ được công nghệ số, xây dựng được các quy trình ứng dụng công nghệ số vào trong hoạt động không chỉ tăng được tốc độ xuất bản thông tin mà còn tăng khả năng tổng hợp, phân tích, đánh giá và kiểm soát tốt nội dung khi khối lượng thông tin khổng lồ như hiện nay. Với cách làm cũ sẽ khó có thể theo kịp xu thế, nhu cầu của người đọc. Chuyển đổi số là quá trình không thể đảo ngược, do đó, chúng ta phải tích cực tham gia vào quá trình này và tận dụng các cơ hội, không được lùi về phía sau.” - Phó Chủ tịch UBND TP phát biểu.
Buổi tọa đàm dành nhiều thời gian để lắng nghe các ý kiến tham luận của lãnh đạo một số cơ quan báo chí về nhiều vấn đề như: “Chuyển đổi số - Cần ngay cú hích tư duy” (báo SGGP); “Số hóa radio: Thay đổi tư duy và hành đông” (Đài TNND TP-VOH); “Về bảo vệ bản quyền” (báo Pháp Luật TPHCM); “ Chuyển đổi số tại báo Tuổi trẻ - Những thách thức” (báo Tuổi Trẻ); “Thách thức chuyển đổi số và những đề xuất từ thực tiễn” (báo Người Lao Động); “Kinh nghiệm chuyển đổi số” (báo Thanh Niên), … Đại diện một số doanh nghiệp lớn, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực CĐS như Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn FPT, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Công ty CP đầu tư thương mại và phát triển công nghệ (FSI)… cũng có các tham luận xoay quanh những giải pháp về công nghệ cho việc CĐS các cơ quan báo chí hướng tới sự phát triển bền vững. |
Phối hợp chặt chẽ Nhà nước – Nhà báo – Nhà doanh nghiệp trong chuyển đổi số
Thay mặt Ban Tổ chức, Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng nghiêm túc tiếp thu các chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP và cho biết, các ý kiến trong buổi tọa đàm sẽ được tổng hợp lại và đề xuất UBND TP về các vấn đề cụ thể.
Tóm lược các vấn đề, ý kiến đề xuất, các giải pháp được nêu ra, ông Lâm Đình Thắng cho biết, Ban tổ chức ghi nhận có 05 vấn đề lớn mà các cơ quan báo chí đang gặp khó khăn khi thực hiện CĐS bao gồm: nhân lực (tư duy và năng lực CĐS), công nghệ (thiếu thông tin và giải pháp về công nghệ), bản quyền, sự cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới và tài chính (đầu tư cho công nghệ và thu hút nhân lực).
Theo đó, kết quả từ tọa đàm sẽ đóng góp những ý kiến xác thực góp phần xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số cơ quan báo chí tại TPHCM của Sở TT&TT.
“Để chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí thành công phải có sự kết hợp, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước - Nhà báo - Nhà doanh nghiệp” - Giám đốc Sở TT&TT nhận định.
Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng cho biết, Ban tổ chức ghi nhận có 05 vấn đề lớn mà các cơ quan báo chí đang gặp khó khăn khi thực hiện CĐS
Ông Lâm Đình Thắng cũng chia sẻ, TP đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số với mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, TP đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TPHCM (DX Center) để giới thiệu các nền tảng hỗ trợ cơ quan báo chí trong chuyển đổi số cũng như nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội; thành lập Trung tâm Giám sát an ninh mạng TPHCM (SOC) để giúp các cơ quan báo chí giải quyết, khắc phục kịp thời khi gặp sự cố nghiêm trọng về an toàn thông tin.
Ngoài ra, ở góc độ cơ quan nhà nước, Sở TT-TT sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu lãnh đạo TP chính sách hỗ trợ các cơ quan báo chí như hệ thống nền tảng dùng chung, chương trình tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.
Đồng thời, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP đề nghị các cơ quan báo chí chủ động thành lập bộ phận chuyên trách CĐS tại đơn vị mình; thực hiện CĐS trong bộ máy của mình, nhằm làm thay đổi theo hướng tích cực cách tổ chức hoạt động, quy trình làm việc, văn hóa truyền thông, hoạt động tòa soạn, từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung, phát hành…
Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phóng viên Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số TPHCM ra mắt
Ngay sau buổi tọa đàm, Hội nhà báo TP đã chính thức công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ Phóng viên Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số TPHCM; chỉ định Ban chủ nhiệm lâm thời do nhà báo Bùi Bửu Hà – Phó Trưởng Văn phòng đại diện báo Đầu tư tại TPHCM làm chủ nhiệm.
Đây là câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành thứ 7 trực thuộc Hội Nhà báo TP. Câu lạc bộ gồm 29 thành viên là các phóng viên chuyên viết về lĩnh vực CNTT, CĐS thuộc các cơ quan báo chí TP và trung ương trên địa bàn TP được tổ chức hướng đến mục tiêu tạo không gian sinh hoạt chuyên môn nghiệp vụ về chuyển đổi số và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của lĩnh vực CNTT-CĐS TP thông qua hoạt động báo chí.
Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TPHCM Nguyễn Tấn Phong công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ Phóng viên Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số TPHCM.
Cũng trong dịp này, Hội nhà báo TP và Sở TT&TT cũng phát động và công bố Điều lệ Giải Báo chí viết về Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số TPHCM, lần thứ I - năm 2022, dự kiến tổng kết và trao giải vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống ngành TT&TT (28/8/2022).
Giải Báo chí viết về CNTT&CĐS TPHCM, lần thứ I năm 2022 nhằm phát huy tính năng động, nhạy bén của phóng viên, sẽ quy tụ các tác phẩm báo chí có tính phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời, có hiệu ứng xã hội tốt.
Trung tâm Báo chí TP trân trọng giới thiệu và đính kèm một số bài tham luận tại buổi Tọa đàm và Thể lệ Giải thưởng Báo chí viết về Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số TPHCM:
Tham luận của báo Người Lao Động
Tham luận của báo Pháp Luật TP
Tham luận của báo Sài Gòn Giải Phóng
Thể lệ Giải Báo chí viết về CNTT&CĐS TPHCM, lần thứ I năm 2022