Theo các chuyên gia giáo dục, kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, có đến 55% trẻ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phải chuyển đổi qua hình thức học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong đó, 74% học sinh cho biết chưa thích nghi được với phương pháp học tập mới, 57% học sinh cho rằng bài giảng của giáo viên khó hiểu hơn khi học trực tiếp. Ngoài ra nhiều tác hại khác như ngồi học lâu trên máy vi tính gây hại cho mắt, não và các bộ phận khác của cơ thể, ảnh hưởng tâm lý, khả năng tập trung và ghi nhớ của học sinh... cũng được phản ảnh.
Theo TS. Nguyễn Thanh Hải, Viện nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ), việc chuyển qua dạy học trực tuyến không chỉ gây khó khăn cho người dạy và người học ở Việt Nam mà ngay cả ở Mỹ - một quốc gia phát triển cũng gặp khó khi chuyển đổi qua hình thức dạy học trực tuyến.
Trong đó, khó khăn lớn nhất đến từ tâm lý của học sinh khi chuyển đổi từ trạng thái học tập bình thường qua học tại nhà với môi trường học tập và cách thức học tập rất khác. Việc thay đổi trạng thái tâm lý đòi hỏi thời gian cho học sinh thích nghi, nhất là học sinh nhỏ tuổi.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng là đối tượng cần được chuẩn bị về tâm thế, tâm lý khi chuyển đổi hình thức dạy học mới.
Khó khăn thứ hai là về tài liệu dạy học trực tuyến bởi có nhiều điểm khác biệt so với tài liệu dạy học trực tiếp, đòi hỏi thời gian chuẩn bị, sự hy sinh của đội ngũ giảng dạy cũng như những chuẩn bị về hệ thống đường truyền, thiết bị dạy học, không gian học tập… cho học sinh.
Thầy Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP thông tin, hiện nay có hơn 1 triệu học sinh TPHCM đang đối mặt với những khó khăn chung của đại dịch, trong đó nhiều em phải chịu tổn thất về mặt tình cảm, tinh thần...
Ngành GD-ĐT TP xác định dạy, học trực tuyến vừa là nhiệm vụ chung của toàn ngành vừa là một trong những cách chia sẻ khó khăn chung của xã hội. Việc dạy, học không nhằm chạy theo tiến độ chương trình mà để đảm bảo quá trình giáo dục liên tục cho học sinh.
Đại diện Sở GD-ĐT TP bày tỏ, dạy học trên internet là chuỗi hoạt động kết hợp nhiều hoạt động, giao nhiệm vụ cho học sinh chứ không chỉ dạy học thông qua hình thức livestream.
Đồng quan điểm, theo Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP, dạy học trên internet mới nhưng không lạ đối với học sinh vì qua các đợt dịch trước, học sinh TP đã được tiếp cận các hình thức học qua truyền hình, video clip, youtube…
Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và Chương trình giáo dục, Sở GD-ĐT TP Nguyễn Hồng Tuấn chia sẻ, dù muốn hay không thì phương án dạy học trên internet là giải pháp dạy học buộc phải chấp nhận trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, từ nhiều năm học trước, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020, ngành giáo dục và đào tạo TP đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, chuẩn bị về kỹ năng, phương pháp dạy học cho giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, thiết kế các bài giảng điện tử...
Theo các chuyên gia, những thách thức đối với nhà trường và phụ huynh khi con em học trên internet gồm: phụ huynh học sinh chưa chuẩn bị tốt tâm lý cho bản thân và con em mình, ngành giáo dục chưa thống nhất các phần mềm dạy học trên internet, tài liệu dạy học vốn không thiết kế dành riêng cho dạy học online, giáo viên thiếu phương pháp và kỹ năng dạy và học trực tuyến, học sinh khó hòa nhập và tiếp thu hiệu quả, thiếu các trang bị hỗ trợ dạy và học, đường truyền và kết nối internet không ổn định, môi trường học không phù hợp, ảnh hưởng đến sức khỏe, hòa nhập xã hội, sinh hoạt gia đình và kinh tế…
Để dạy và học trên internet đạt hiệu quả cần sự kết hợp của nhiều giải pháp như xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghệ, các phần mềm ứng dụng và kho học liệu đa dạng, phong phú; cần ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn dạy học trên internet cho giáo viên và phụ huynh, kết hợp với truyền thông để tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh; nâng cao chất lượng tập huấn kỹ năng sư phạm dạy học online cho giáo viên, tổ chức hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng các phương án dạy học gồm dạy học trên internet, học qua truyền hình, nền tảng khác, sao in tài liệu cho học sinh...