Nhân tài Đất Việt 2019 - cho người Việt, vì người Việt
(Chinhphu.vn) - Nhiều sản phẩm dự thi gửi về từ nước ngoài đang thể hiện rõ xu hướng trước tiên là giải quyết các thách thức và đòi hỏi của đời sống kinh tế-xã hội ngay tại Việt Nam hoặc vì cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.
Sức mạnh chuyển đổi số
Tiếp nối chuỗi chương trình phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019 tại Hà Nội và Đà Nẵng, Công viên phần mềm Quang Trung (TPHCM) cũng đã có buổi gặp gỡ giữa các nhà tổ chức cuộc thi và giới sáng chế công nghệ vào sáng 28/5.
Giải thưởng năm nay mang chủ đề “Sức mạnh chuyển đổi số”. Trong đó, đề cao tầm quan trọng của tính khả thi và khâu thương mại hóa sản phẩm.
Cuộc thi 15 năm tuổi mở ra các hệ thống giải thưởng dành cho: Sản phẩm Số Triển vọng, Sản phẩm Công nghệ thông tin Kết nối, Di động và Sản phẩm Công nghệ thông tin Khởi nghiệp. Riêng hệ thống sản phẩm CNTT Khởi nghiệp sẽ có 2 hạng mục dự thi gồm: Sản phẩm CNTT Khởi nghiệp thành công - là sản phẩm đã hoàn thiện và đã có ứng dụng trong thực tế; và sản phẩm CNTT Khởi nghiệp sáng tạo - dành cho các sản phẩm mới ở dạng ý tưởng, cần được hỗ trợ nguồn lực để hoàn thiện, cần được tư vấn, định hướng chiến lược để phát triển.
Tại cuộc thi, các nhà sáng chế tham dự có thể nhận được hỗ trợ về cả tài nguyên lưu trữ, tài nguyên dữ liệu số từ Tập đoàn VNPT lẫn sự tư vấn từ hàng nghìn chuyên gia và đối tác của chính Tập đoàn này.
Theo nhà tổ chức, giải thưởng năm nay sẽ đề cao các sản phẩm công nghệ ở những lĩnh vực như: Trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), thực tế ảo, thực tế tăng cường; và các ứng dụng CNTT vào y tế, giáo dục, chính quyền điện tử; máy chủ ảo, nông nghiệp thông minh, Big Data, Telecom API.
TPHCM được biết đến là địa phương suốt 14 năm qua luôn có số lượng thí sinh tham gia Giải thưởng Nhân tài Đất Việt rất đông đảo, và từng giành được nhiều thứ hạng cao như: Sản phẩm “Chip vi điều khiển 8-bit thương mại của Việt Nam SG8V1” (Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch - Đại học Quốc gia TPHCM) đã đạt giải Nhất năm 2014; hay sản phẩm Busmap - Xe buýt thành phố - của nhóm 7 tác giả đến từ TPHCM cũng đã giành giải Nhì lĩnh vực Ứng dụng trên thiết bị di động năm 2015…
“Lửa thử vàng”
Trở về Việt Nam giữa những năm tháng mà cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang chi phối mọi mặt của đời sống kinh tế, nhà nghiên cứu Lê Công Thành cũng như nhiều trí thức trẻ công nghệ lúc bấy giờ không có nhiều sự lựa chọn. Đa số chỉ có thể “đầu quân” về các viện nghiên cứu, hoặc giảng dạy ở các trường đại học. Số doanh nghiệp hoặc tập đoàn công nghệ thông tin mở ra các trung tâm nghiên cứu để giao lưu, đón nhận và ủng hộ giới trí thức và startups công nghệ cũng chỉ mới đếm trên đầu ngón tay. Và Giải nhất tại Nhân tài Đất Việt năm 2016 đã trở thành bệ phóng đầu tiên cho nhà khởi nghiệp trẻ tuổi cũng như tạo ra lực hấp dẫn nhất định với rất nhiều nhà sáng chế người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài sau đó.
“Cái được lớn nhất của một công ty khởi nghiệp mới toe là được truyền thông đồng loạt chú ý, hay hơn nữa là được truyền thông miễn phí một cách tích cực - điều mà nhiều doanh nghiệp giàu tiềm lực cũng không chắc có được. Từ đó, rất nhiều khách hàng, đối tác, công chúng biết tới doanh nghiệp. Cơ hội kinh doanh vì thế cũng tìm tới. Sự phát triển của doanh nghiệp như hôm nay có một phần đóng góp lớn từ Nhân tài đất Việt 2016”, startup Lê Công Thành nhìn nhận.
Bắt đầu trở thành xu thế, những năm qua, Nhân tài Đất Việt liên tiếp chào đón nhiều startup hoặc nhóm startups người Việt từ khắp các tập đoàn công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học trên thế giới “đăng đàn” dự thi.
Với những người khởi nghiệp, giải thưởng tuy không quá lớn về giá trị vật chất nhưng đây chính là nơi tạo ra cơ hội để các sản phẩm công nghệ có dịp “thử lửa” - kiểm chứng tính khả thi trên thực tế. Những sản phẩm đã được “tôi luyện” từ cuộc thi đồng thời cũng có cơ hội được các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam “chạy tiếp sức” để đưa ra thị trường.
“Bây giờ ý tưởng không còn quá hiếm hoi như trước. Làm ra được sản phẩm hoàn chỉnh cả về công nghệ lẫn vận hành trên thực tế mới được xem là dự án có tính khả thi. Bởi sản phẩm bạn phục vụ 100 khách hàng sẽ khác xa với sản phẩm có thể phục vụ được hàng triệu, chục triệu, trăm triệu người dùng”, Phó Giám đốc Trung tâm VNPT-IT Khu vực 2 Phạm Thế Trung nói thêm về sự “lợi hại” khi startups được những doanh nghiệp “tiền bối” lớn mạnh đỡ đầu.
Năm nay, tuy mới bắt đầu vòng sơ khảo nhưng Nhân tài Đất Việt đã ghi nhận nhiều hồ sơ tham gia tranh tài từ các nhà nghiên cứu công nghệ người Việt tại Canada, Mỹ…
Theo đó, các sản phẩm dự thi đều chứng tỏ tầm nhìn “đi cùng thời đại” khi đều dựa trên nền tảng của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... Đáng chú ý, nhiều sản phẩm đang thể hiện rõ xu hướng trước tiên là giải quyết các thách thức và đòi hỏi của đời sống kinh tế-xã hội ngay tại Việt Nam hoặc vì cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.
Theo bảng xếp hạng A.T. Kearny Global Services Location Index năm 2017 về sức hấp dẫn của điểm đến chuyên thực hiện các dịch vụ công nghệ thông tin, Việt Nam được xếp thứ 6 toàn cầu, tăng 5 bậc so với bảng xếp hạng trước đó.
Mỗi hệ thống sản phẩm CNTT sẽ trao 1 giải Nhất (200 triệu đồng), 1 giải Nhì (100 triệu đồng) và 1 giải Ba (50 triệu đồng). Hạng mục CNTT Khởi nghiệp sáng tạo: nhận bài dự thi đến hết ngày 18/7/2019. Thời gian phát triển sản phẩm: 01/8/2019 – 01/11/2019; Chấm giải từ ngày 01/11/2019 – 15/11/2019. Hạng mục CNTT Triển vọng số, CNTT Kết nối, Di động; CNTT Khởi nghiệp thành công: nhận bài dự thi đến hết ngày 30/9/2019; Chấm giải từ ngày 01/10/2019 đến ngày 15/11/2019. Trao giải tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2019) - truyền hình trực tiếp trên sóng VTV. Nơi nhận hồ sơ dự thi: Báo điện tử VnMedia - Tầng 14 - Tòa nhà VNPT - 57 Huỳnh Thúc Kháng - Hà Nội. Thông tin về Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019: http://nhantaidatviet.vnpt.vn, hoặc http://vnmedia.vnvà http://dantri.com.vn. |
Phương Hiền