Kiến tạo nơi đáng sống, đáng làm việc, phát triển vững bền

02/05/2018

Kiến tạo TPHCM thành nơi đáng sống, đáng làm việc, phát triển vững bền. Ảnh: NGỌC TIẾN

Đề án “Xây dựng TP.Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” đã được phê duyệt với mục tiêu nhằm phục vụ 4 chủ thể của đô thị là chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Trong đó, công nghệ trở thành một công cụ đắc lực tạo ra các tiện ích cho xã hội.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lâm Nguyễn Hải Long – Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) – xung quanh vấn đề này. 

Đang có nhiều ý kiến đặt vấn đề về cách tiếp cận xây dựng thành phố thông minh như thế nào, bắt đầu từ hạng mục hay dự án nào, theo ý kiến của ông thì như thế nào?

- Khái niệm thành phố thông minh (Smart City) được sử dụng nhiều ở khu vực Châu Á trong khi ở Châu Âu và Bắc Mỹ người ta hay dùng thuật ngữ thành phố xanh (Green City). Nhưng tựu trung dù sử dụng thuật ngữ nào đi nữa thì nơi đó cũng phải là một nơi đáng để làm việc, là nơi đáng sống và phát triển bền vững với sự ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông tạo ra các tiện ích.

Để xây dựng thành phố thông minh trước hết cần một kiến trúc tổng thể về công nghệ, với những lớp công nghệ khác nhau. Việc này đòi hỏi phải có thời gian để hoàn thiện. Song cơ bản nhất, cái lõi là phải có một chính phủ điện tử hoàn thiện, xuyên suốt và hoạt động thông suốt.

Ngày 30.11.2017, TPHCM công bố phần mềm công khai quy hoạch trực tuyến giúp người dân ngồi nhà lên mạng
có thể biết được thông tin quy hoạch toàn thành phố. Ảnh: MINH QUÂN

Trong khuôn khổ Đề án xây dựng thành phố thông minh (TPTM) tại TP.HCM sẽ xây dựng 4 trung tâm, gồm: Trung tâm kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm an toàn thông tin và Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, Trung tâm kho dữ liệu mở dùng chung là điểm tiếp cận đầu tiên thực hiện đề án TPTM.

Vì sao phải bắt đầu từ đây? Vì hiện nay chúng ta đang vận hành một hệ dữ liệu đóng, vì thế phải mở ra để tạo sự minh bạch, và quan trọng hơn là khi mở ra thì cũng sẽ tiếp nhận được dữ liệu mới từ người dùng đóng góp vào, cùng kết nối và phát triển thành hệ sinh thái dữ liệu mở. Dữ liệu phải mở và kết nối thành thông tin, trên nền đó tạo sự cộng sinh thì mới phát huy hiệu quả.

Tôi đơn cử là nếu chúng ta số hóa toàn bộ dữ liệu đất đai để mọi người dân đều có thể truy cập thì sẽ giúp giải tỏa áp lực làm các loại thủ tục, xin giấy phép qua đó hạn chế khâu trung gian như cò thủ tục hay sự sách nhiễu.

Tất nhiên nếu làm thế thì cũng đụng đến nhiều nhóm lợi ích, vì vậy đòi hỏi phương pháp làm phải thật kĩ từ khâu kết nối đến phân tích, chia sẻ. Thậm chí cần có sự áp đặt về qui trình, qui chuẩn công nghệ.v.v…

Kiến tạo TPHCM thành nơi đáng sống, đáng làm việc, phát triển vững bền. Ảnh: NGỌC TIẾN

Ông cho rằng cần có sự áp đặt về qui trình, qui chuẩn công nghệ, cụ thể là sao?

- Triển khai xây dựng TPTM về mặt công nghệ phải tuân thủ sự đồng bộ các nền tảng. Ví dụ sử dụng bản đồ nền nào, chuẩn ra sao, thì phải có sự đồng bộ chứ không mỗi nơi một chuẩn khác nhau được. Đồng thời với những qui định có tính bắt buộc thực hiện thì vai trò của người cầm trịch, điều phối là rất quan trọng.

Xây dựng TPTM cần phải đầu tư triển khai ứng dụng rất nhiều giải pháp công nghệ. Theo ông vấn đề vốn đầu tư có phải là yếu tố quyết định?

- Xây dựng một TPTM cần nguồn kinh phí rất lớn cho nên nếu xem đây là yếu tố quyết định cũng là hợp lí. Trên thực tế có những phương án huy động nhiều nguồn lực khác nhau.

Đơn cử như tại QTSC, chúng tôi sử dụng nguồn kinh phí khoa học công nghệ của mình, tuy nhiên rất hạn chế. Thay vào đó, QTSC tận dụng kinh phí của các doanh nghiệp tài trợ. Chúng tôi triển khai các giải pháp như SmartTraffic (giao thông thông minh trong nội khu), hay khu nông nghiệp công nghệ cao…, đều là tài trợ từ các doanh nghiệp trong công viên.

Đồng thời với việc thử nghiệm chúng tôi cũng quảng bá, tìm kiếm cơ hội thị trường cho các giải pháp, sản phẩm công nghệ của họ, qua đó cũng đánh giá được năng lực công nghệ của các doanh nghiệp.

Với thành phố thì các kênh huy động vốn rộng mở hơn với nhiều nguồn lực hơn. Tùy từng dự án, chương trình có thể kêu gọi nguồn đầu tư với những chính sách ưu đãi kèm theo chứ chỉ dựa vào ngân sách thì không thể kham nổi.

Tuy nhiên, để huy động các nguồn lực một cách mạnh mẽ thì bài toán pháp lí phải đi trước để giải bài toán tài chính. Cụ thể các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đầu tư vào thì họ được gì, cần phải rất rõ ràng và có tính kích thích.

Với trung tâm dữ liệu mở dùng chung, có thể thấy rõ là cả người dân, doanh nghiệp và cả chính quyền cũng được lợi. Nhưng cũng cần xác định rõ là cái gì dùng chung, mức độ đến đâu phải rõ ràng, nếu không lại cũng sẽ xảy ra cửa quyền, nhũng nhiễu…

- Việc xây dựng trung tâm dữ liệu mở dùng chung và hệ sinh thái xoay quanh là cả một khối lượng công việc rất lớn nhưng với quyết tâm cao, sự đồng lòng và hợp sức từ chính quyền đến nguồn lực doanh nghiệp thì có thể triển khai thành công được.

Khi dữ liệu phải chia sẻ và dùng chung, việc xây dựng kho dữ liệu chung từ mỗi sở ngành, thì tất nhiên cũng có thể đụng tới lợi ích mỗi nơi, chính vì thế việc lựa chọn công nghệ là rất quan trọng để tạo sự liên thông và minh bạch. Cần phải có một qui chế về xây dựng và sử dụng dữ liệu dùng chung và cơ quan cầm trịch, điều phối thể hiện trách nhiệm cao trong vai trò giám sát.

TPHCM đang thực hiện giai đoạn 1 của chương trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại thông minh,
từ đó giúp người dân biết được nguồn gốc thực phẩm an toàn. Ảnh: MINH QUÂN

Lợi ích, như đã nói, là rất lớn cho các bên. Thậm chí, khi chúng ta xây dựng xong trung tâm dữ liệu mở dùng chung, người dân và doanh nghiệp sẵn sàng trả một mức phí vừa phải để được lấy dữ liệu và sử dụng vì cơ chế rõ ràng sẽ giúp người dân cảm thấy hài lòng. Ngoài 4 trung tâm còn có nhiều đề án nhánh nữa cung cấp các tiện ích cho thành phố thông minh nhưng đòi hỏi thời gian triển khai dần.

Đề án xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2025 có thể hiểu là chỉ cần triển khai thực hiện trong một số năm là hoàn tất?

- Hiện nay tại QTSC chúng tôi đã và đang triển khai xây dựng theo mô hình đô thị thông minh nhưng chỉ đặt thời điểm khởi đầu triển khai chứ không đặt thời điểm kết thúc. Bởi công nghệ không ngừng phát triển và chúng ta cũng sẽ không ngừng sáng tạo, ứng dụng triển khai công nghệ mới vào đời sống xã hội và quản lí thành phố.

Khoảng thời gian dự kiến chỉ là kế hoạch để xây dựng hoàn tất phần nền tảng và cơ bản, còn việc mở rộng và nâng cao thì phải được cập nhật liên tục. Trong cuộc sống của chúng ta và sự phát triển của xã hội cũng thế thôi, cũng chẳng bao giờ có điểm dừng và TPTM cũng thế.

Trên thế giới có một mô hình mẫu nào về TPTM có thể áp dụng chung hoặc tham khảo để triển khai thành công?

- Như đã nói từ đầu, cách gọi Smart City có tính chất gọi theo trào lưu ở Châu Á nhiều hơn. Đối với nhiều đô thị ở Châu Âu và Bắc Mỹ, họ đã trên đường triển khai TPTM từ lâu và giờ đây họ vẫn tiếp tục phát triển, cập nhật các tiện ích, giải pháp công nghệ mới tiên tiến phục vụ cho công tác quản lí, vận hành guồng máy đô thị. Và cái đích chung của họ là xây dựng một thành phố xanh và thông minh (Green City).

Không có một hình mẫu chung về TPTM trên thế giới nhưng bất cứ mô hình TPTM nào cũng phải đảm bảo đủ ba trụ cột là nơi đáng sống, đáng làm việc và phát triển bền vững, cho dù cách triển khai thực hiện có khác nhau.

Toàn cảnh Khu Công viên phần mềm Quang Trung. Ảnh: T.H.T

QTSC tiên phong xây dựng mô hình đô thị xanh, thông minh

Từ đầu năm 2016, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) bắt đầu ứng dụng các công nghệ để giải quyết những bài toán về quản trị nội khu để nâng tầm hoạt động và hướng tới mô hình đô thị xanh, thông minh đầu tiên của cả nước.

Ngay trong năm này, QTSC đã tiến hành số hóa toàn bộ hạ tầng kĩ thuật nội khu thông qua hệ thống quản lí tài sản không gian GIS, ứng dụng phần mềm cho hệ thống camera ghi nhận biển số xe khi đi vào QTSC, ứng dụng nhận diện khuôn mặt để phân tích nhân viên hay khách ghé thăm.

Hệ thống SmartHome trong QTSC sẽ tự hoạt động khi có người vào phòng làm việc, đồng thời có thể kiểm tra một lượt hoạt động văn phòng thông qua camera giám sát, sử dụng phần mềm Helpdesk để xem ý kiến khách hàng hay luồng xử lí công việc của nhân viên, nhắn tin SMS, gửi email thông báo cúp điện, nước, lịch hoạt động đến mọi người.

Năm 2017, QTSC triển khai tiếp các giải pháp cho hệ thống chiếu sáng thông minh; hệ thống quản lí điều hành- OMS; hệ thống đồng hồ nước thông minh; Wifi Marketing; hệ thống quản lí và giám sát môi trường; hệ thống quản lí tòa nhà BMS; thí điểm hệ thống cho thuê/mượn xe đạp chạy trong nội khu…

Hiện nay, tất cả nước thải từ QTSC thải ra đều được kiểm soát. Hệ thống kiểm soát cập nhật liên tục theo thời gian thực 11 chỉ số môi trường, doanh nghiệp nào không đạt chuẩn sẽ được cảnh báo ngay qua email, tin nhắn SMS.

Theo bà Nhiêu Trân – Trưởng bộ phận giải pháp công nghệ, trong năm 2018 QTSC sẽ triển khai tiếp các giải pháp văn phòng thông minh, hệ thống tưới tiêu tự động, hệ thống đo đếm dữ liệu điện kế từ xa, hệ thống quản trị nội bộ doanh nghiệp, hệ quản lí giao thông thông minh, mở rộng và tối ưu các ứng dụng hiện hữu.

Đặc biệt, trong năm 2018 QTSC sẽ xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu nhằm kết nối các ứng dụng hiện hữu, quản lí và giám sát toàn bộ các hệ thống và thiết lập bảng thông tin tổng hợp các báo cáo (dashboard). P.K

THẨM HỒNG THỤY (THỰC HIỆN)

Nguồn: Báo Lao Động

Chuỗi QTSC

Thành viên QTSC