Khu công nghiệp 'thông minh' hơn sẽ tạo lợi thế cạnh tranh

31/07/2020

(TBKTSG Online) - Các doanh nghiệp công nghệ thông tin mong muốn cùng hợp tác với các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN) của TPHCM để ứng dụng công nghệ nhằm quản lý hiệu quả hơn và gia tăng dịch vụ cho các nhà sản xuất trong bối cảnh quỹ đất tại đây ngày càng khan hiếm và đắt đỏ hơn các địa phương khác.

Các diễn giả thảo luận tại hội thảo. Ảnh minh họa: Lê Hoàng
Các diễn giả thảo luận tại hội thảo. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Thông tin này được ghi nhận tại chuỗi hội thảo KCN thông minh vào ngày 30-7 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA), Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng tổ chức.

Chuỗi sự kiện với mục đích xúc tiến đầu tư ngành công nghệ thông tin theo định hướng chung của TPHCM phát triển các KCN, khu chế xuất (KCX) theo mô hình KCN thông minh, đáp ứng xu thế chung của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo các diễn giả, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong các công nghệ và quy trình sản xuất ngày càng được đẩy mạnh. Vì thế phát triển KCN thông minh sẽ trở thành sự lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp sản xuất, nhà đầu tư trong thời gian tới.

Tại buổi hội thảo, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC đã chia sẻ ý tưởng về mô hình KCN thông minh mà theo ông việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và gia tăng tiện ích dịch vụ cho nhà sản xuất, khách thuê đã được nhiều công ty phát triển hạ tầng KCN ở các nước thực hiện.

Cụ thể chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT còn giúp quản lý, truy xuất dữ liệu của từng mảng hạ tầng riêng biệt trên cùng một ứng dụng một cách dễ dàng, tăng hiệu quả phối hợp công việc giữa các bộ phận và dễ dàng chia sẻ thông tin, hỗ trợ thống kê, báo cáo số liệu một cách tức thời.

Trong khi đó, các KCN ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung phần lớn hiện nay chỉ mới dừng lại việc đáp ứng những mức cơ bản về hạ tầng giao thông, điện nước, xử lý nước thải, cung cấp internet... và chú trọng nhiều vào việc lấp đầy diện tích đất cho thuê hơn là đầu tư công nghệ để gia tăng tiện ích cho khách thuê.

Với kinh nghiệm triển khai xây dựng mô hình đô thị thông minh tại Công viên phần mềm Quang Trung, ông Long cho rằng hiệu quả mang lại rất lớn cho cả 3 mục tiêu chính: nâng cao chất lượng quản trị, điều hành; gia tăng sự hài lòng của cộng đồng nội khu và phát triển thương hiệu.

Do đó, theo ông Long, các KCN sắp tới cần được ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số nhằm tăng cường tính kết nối và tương tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp trong nội khu như: các giải pháp kết nối giao thương, xây dựng chuỗi cung ứng,...

Đáng chú ý, các nhà phát triển hạ tầng các KCN cần đầu tư các giải pháp về hệ thống quan trắc môi trường tự động giúp kiểm soát chất lượng nước thải, không khí; giải pháp số hóa quản lý tài liệu; hệ thống thẻ nhận diện,...

KCX Tân Thuận TPHCM. Ảnh minh họa: Lê Hoàng
KCX Tân Thuận TPHCM. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Cũng theo ông Long, những giải pháp và ứng dụng này đã được các doanh nghiệp CNTT trong nước hoặc có mặt tại Việt Nam như TMA, Hitachi Vantara, Sao Bắc Đẩu, Lạc Việt, AES, FSI, Ricoh, HPT, BTM Global, XPossible, Online Office, SystemEXE, New Ocean,... phát triển mà các nhà phát triển hạ tầng KCN có thể tìm hiểu và tham khảo.

Tại sự kiện, đại diện một số doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN lo ngại chi phí đầu tư cho những giải pháp công nghệ này lớn, nhưng đại diện một số công ty CNTT cho rằng có thể chọn giải pháp cùng nhau hợp tác để cung cấp dịch vụ cho khách hàng nội khu, không bỏ tiền đầu tư.

Đối với các giải pháp công nghệ số hóa để quản lý tốt hơn theo các công ty phát triển công nghệ dù nhà phát triển hạ tầng phải trả khoản chi phí ban đầu nhưng hiệu quả mang lại sau này rất lớn và sẽ tiết kiệm khá nhiều chi phí về sau.

Đơn cử như hệ thống SMS lắp đặt tại QTSC giảm tối đa thời gian thông tin cho khách hàng từ 2 ngày xuống còn 2 phút; hệ thống quản lý tài sản không gian trên nền GIS giúp quản lý, truy xuất dữ liệu từng mảng hạ tầng riêng biệt trên cùng một ứng dụng.

Hay hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh tiết kiệm 35% điện năng tiêu thụ, quản lý thời gian thực trạng thái đèn, điều khiển chiếu sáng theo lập lịch và tự động, cảnh báo ngay tức thời khi có sự cố; cùng các hệ thống giám sát, theo dõi bảo vệ thông minh khác…

"Các lợi thế chúng ta đang thực hiện như lao động giá rẻ, đất đai… trong tương lai sẽ không còn, buộc lòng các chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN phải tính đến tăng năng suất, hiệu quả", ông Long nói.

Trên thực tế, TPHCM trong những năm qua gặp nhiều thách thức khi nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố đã và đang có xu hướng chuyển đầu tư về các tỉnh lân cận vì thiếu quỹ đất sản xuất sạch.Thành phố hiện thiếu quỹ đất cho lĩnh vực sản xuất, giá thuê đất, mặt bằng sản xuất ở thành phố cao so với các KCN ở các khu vực lân cận khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô nhà xưởng, tăng công suất sản xuất.

Lê Hoàng - Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online

Chuỗi QTSC

Thành viên QTSC