Hội nghị Xuất khẩu dịch vụ CNTT 2017: chung tay đưa Việt Nam trở thành lựa chọn lý tưởng nhất châu Á

09/08/2017

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, Việt Nam hiện đang hội đủ khá nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan để trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các đối tác Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản về cung cấp dịch vụ CNTT. Tuy nhiên, bên cạnh một số khó khăn vẫn còn tồn tại thì các doanh nghiệp, hiệp hội chuyên ngành CNTT Việt Nam cần có sự chung tay, hợp lực hơn nữa để cùng quảng bá mạnh mẽ những lợi thế của ngành.

 

Họp báo công bố sự kiện quốc tế Hội nghị Xuất khẩu dịch vụ CNTT 2017, ngày 8/8/2017.
 
Đó cũng chính là mong muốn đã được ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Liên minh VNITO, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung cũng như các thành viên ban cố vấn, doanh nghiệp nhấn mạnh nhiều lần tại sự kiện công bố Hội nghị Xuất khẩu dịch vụ CNTT 2017 sắp diễn ra vào ngày 18-19/10/2017 tại Trung tâm Hội nghị GEM Center, TP.HCM.

Thuận lợi lớn cho ngành gia công phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam

Trong bảng xếp hạng của Cushman & Wakefield năm 2016, Việt Nam đứng số 1 thế giới về điểm đến lý tưởng dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO). Báo cáo năm 2017 của Jones Lang LaSalle đã xếp TP.HCM đứng thứ 2 và Hà Nội đứng thứ 7 trong Top 10 Thành phố năng động nhất thế giới. Theo bản báo cáo “Đánh giá các quốc gia về dịch vụ Gia công CNTT tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016” của Gartner, Việt Nam được xếp là 1 trong 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, theo kết quả nghiên cứu của KPMG Việt Nam khi so sánh QTSC với 8 khu công nghệ có quy mô hàng đầu tại châu Á đã xếp hạng QTSC đứng thứ 3 trên tổng số 8 khu công nghệ về các yếu tố liên quan đến hoạt động của khu như tỷ lệ lấp đầy, chính sách đãi ngộ, hạ tầng viễn thông… và đứng thứ 4 về các yếu tố liên quan đến quy mô, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, mức thu hút vốn FDI, tay nghề của nguồn nhân lực. Điều đó cho thấy, tiềm năng, thế mạnh và uy tín của Việt Nam đối với thị trường phần mềm và dịch vụ CNTT toàn cầu - ông Lâm Nguyễn Hải Long nhấn mạnh.


Ông Việt Hồ, Giám đốc Russel.

Bên cạnh các lợi thế về giá, nguồn nhân lực trẻ dồi dào và có sự hỗ trợ từ Chính phủ, ông Việt Hồ, Giám đốc Russel – một công ty chuyên về đầu tư, đồng thời là một Việt kiều Mỹ cho biết gần đây thế giới đã cái nhìn rất tích cực về ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam. Họ cho rằng nhân sự Việt Nam giỏi, tài năng, chăm chỉ, dễ làm việc trao đổi cùng nhau, và quan trọng hơn nữa là doanh nghiệp Việt Nam tạo được cho họ sự yên tâm, làm ăn lâu dài. Trong khi đó, thị trường Ấn Độ đang dần mất đi các lợi thế này, còn Philippines – dẫn đầu thị trường BPO ở châu Á thì đang gặp nhiều trục trặc về chính trị, nên các đối tác Hoa Kỳ rất lo lắng và đang tìm kiếm các điểm đến khác an toàn hơn cho các dự án. Vấn đề hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam cần phải biết cách thể hiện cho các đối tác thấy rõ ràng hơn nữa những khả năng đó.
 
Ông Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch HĐQT công ty TMA Solutions, thành viên ban cố vấn VNITO cho biết thêm, ngành gia công phần mềm Việt Nam có rất nhiều cơ hội, ngày càng nhiều người biết đến Việt Nam và nhiều tổ chức đánh giá Việt Nam xếp những thứ hạng cao trên bản đồ gia công CNTT thế giới, là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại nhu cầu cao hơn nữa về cả lượng lẫn chất của nguồn nhân lực CNTT. Nhưng thử thách là làm sao để đáp ứng được những yêu cầu đặt ra và phát triển ngành một cách lâu dài, bền vững. Để thực hiện được những điều này phải có sự chung tay góp sức của tất cả các thành viên đang làm việc trong lĩnh vực CNTT – TT. 


Ông Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch HĐQT công ty TMA Solutions.

Thị trường nói tiếng Anh nói chung, Bắc Mỹ nói riêng vẫn luôn là thị trường lớn cho ngành gia công phần mềm và dịch vụ CNTT khai thác, tuy vậy song hành với tiềm năng đó là sự cạnh tranh khốc liệt và đầy khó khăn. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Lệ, Nhật Bản đang trở thành thị trường hấp dẫn và là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Vốn có lợi thế về ngôn ngữ tương đồng nhưng vì tình hình chính trị căng thẳng trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã không còn là sự lựa chọn của các khách hàng Nhật Bản. Ấn Độ, Malaysia thì khác biệt về văn hóa.

Mặc khác hiện nay, Nhật Bản không chỉ là đối tác quan trọng và là nước có nguồn đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam, mà ngay chính trong ngành gia công phần mềm và dịch vụ CNTT, các đối tác Nhật Bản cũng đã hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam. Họ sẵn sàng đặt hàng và giao cho doanh nghiệp Việt Nam những dự án lớn, trả giá cao miễn là chúng ta làm được. Đa số công ty Nhật Bản hiện nay đều không còn quan tâm đến giá, mà là quan tâm đến các đối tác để họ có thể làm việc được. Thế hệ trẻ Nhật Bản hiện nay nói tiếng Anh không tốt bằng các thế hệ trước đây, vì vậy nếu các kỹ sư Việt Nam biết thêm về tiếng Nhật sẽ là một lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam - ông Lệ cho biết thêm.

Hội nghị Xuất khẩu dịch vụ CNTT 2017 - cơ hội kết nối thị trường toàn cầu
 
Trước cơ hội và thách thức đó, sự kiện Hội nghị Xuất khẩu dịch vụ CNTT 2017 (lần thứ 2) chủ đề "Việt Nam - điểm đến hàng đầu châu Á về dịch vụ CNTT" đã nhận được sự hỗ trợ và đóng vai trò chỉ đạo trực tiếp của UBND TP.HCM. Được đồng tổ chức bởi Liên minh VNITO, Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) cùng sự hỗ trợ của Hội tin học Tp.HCM (HCA) và Tổ chức phát triển CNTT Việt Nam tại Hoa Kỳ (VIDG), sự kiện nhằm khẳng định thị trường Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, kết nối môi trường quốc tế với những khách hàng tiềm năng, thúc đẩy chia sẻ nguồn lực giữa các công ty. 

Ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết, Hội nghị Xuất khẩu dịch vụ CNTT 2017 đã mời gọi được nhiều chuyên gia tư vấn quốc tế, chuyên gia trong ngành CNTT cùng các nhà đầu tư uy tín từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... Vì vậy đây chính là sân chơi, là cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức kết nối, cập nhật tình hình và tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương, đồng thời cùng nhau giới thiệu năng lực phát triển phần mềm, khả năng cung cấp dịch vụ CNTT của Việt Nam với các nước trên thế giới.
 
Hội nghị xuất khẩu dịch vụ Công nghệ Thông tin 2017 (VNITO 2017) sẽ cung cấp những thông tin đáng tin cậy về ngành xuất khẩu phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam từ các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới như IDG, KPMG... VNITO 2017 sẽ có hơn 20 bài phát biểu của các diễn giả nổi tiếng về dữ liệu lớn, IoT, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng CNTT cho nông nghiệp, thương mại điện tử Bán lẻ, Logistics, nguồn nhân lực Việt Nam, hệ thống giáo dục CNTT Việt Nam, cơ sở hạ tầng CNTT-TT của Việt Nam, cũng như giới thiệu vì sao các tập đoàn đa quốc gia gia đã chọn Việt Nam làm cơ sở cung cấp phần mềm và dịch vụ CNTT.
 
VNITO 2017 cũng tập trung xúc tiến cho lĩnh vực dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO), xúc tiến đầu tư cho các địa phương như tỉnh Lâm Đồng – nơi tiềm năng phát triển CNTT cho khu vực Nam Tây Nguyên và đặc biệt VNITO 2017 không chỉ thuần túy thúc đẩy phát triển gia công CNTT mà mở rộng kết nối hướng đến các lĩnh vực khác như nông nghiệp công nghệ cao hay giới thiệu các công nghệ và giải pháp mới của doanh nghiệp CNTT.
 
Tính đến cuối tháng 7/2017 (trước hội nghị 3 tháng) đã có hơn 40 khách nước ngoài và gần 100 khách trong nước đăng ký tham gia hội nghị VNITO 2017. Để quảng bá cho sự kiện VNITO 2017, Liên minh VNITO đã tổ chức 6 hội thảo trong nước tại TP.HCM và Hà Nội; 4 hội thảo tại Nhật Bản, 2 chuyến xúc tiến tại Hoa Kỳ và Singapore; làm việc trực tiếp với hơn 10 tổ chức/hiệp hội nước ngoài tại Việt Nam để mời các doanh nghiệp nước ngoài tham dự. Từ nay đến lúc diễn ra sự kiện, VNITO sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo tại TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ để đưa thông tin hội nghị đến với cộng đồng doanh nghiệp CNTT trong cả nước. Sự kiện đồng thời đã nhận được sự hưởng ứng bảo trợ thông tin của nhiều đơn vị truyền thông, báo chí trong và ngoài nước tham gia.
 
Ban tổ chức kỳ vọng, thông qua các hoạt động truyền thông quảng bá, Hội nghị VNITO 2017 sẽ thu hút hơn 150 tập đoàn đa quốc gia, tổ chức lớn trên thế giới, các công ty công nghệ cao nước ngoài có nhu cầu hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam về dịch vụ CNTT; hơn 250 doanh nghiệp CNTT trong nước, các hiệp hội chuyên ngành trong nước và quốc tế, các tổ chức xúc tiến thương mại, các công ty về nhân sự, 20 trường đại học chuyên đào tạo CNTT. 
Bạch Đông

Chuỗi QTSC

Thành viên QTSC