Ngày 1/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu phối hợp với Công viên phần mềm Quang Trung, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Diễn đàn Kinh tế số Việt Nam 2018: Thách thức và giải pháp chiến lược cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (VDEF 2018).
Diễn đàn có mục tiêu chính là chia sẻ tầm nhìn chiến lược cấp quốc gia, kinh nghiệm triển khai thực tế tại các tổ chức công và doanh nghiệp.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận thông qua bốn phiên tham luận gồm kịch bản kinh tế số Việt Nam; Công nghệ số tác động đến các quyết định chiến lược của doanh nghiệp vừa và nhỏ; Ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ; Các dịch vụ số hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đẩy mạnh hợp tác thương mại điện tử và kinh tế số giữa Việt Nam-Hoa Kỳ
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn, các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về triển khai hạ tầng số hiệu quả trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp.
Bên cạnh đó, xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp trong xử lý phát sinh mâu thuẫn trên môi trường mạng; tạo dựng, quản lý dữ liệu số phục vụ doanh nghiệp, người dân ở các hoạt động kinh doanh, dịch vụ hành chính công... nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế số trong tương lai, góp phần đẩy mạnh Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Theo ông Vũ Ngọc Anh, sáng lập viên của Diễn đàn Kinh tế số Việt Nam, kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp là từ một hệ thống kinh tế tập trung đầu tư vào các tập đoàn công nghiệp và dịch vụ liên quốc gia, Chính phủ Pháp và các đô thị lớn như Paris, Lyon, Lille đã mạnh dạn thí điểm triển khai các sáng kiến, dự án về luật, đầu tư, công nghệ, quản lý đổi mới sáng tạo; từ đó hướng đến việc đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành động lực phát triển của nền kinh tế Pháp trong quá trình phát triển kinh tế số.
Nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với hiệu suất kinh tế vượt trội, các mô hình kinh tế mới đang tạo ra những biến đổi căn bản trong nhiều ngành công nghiệp, từ thông tin truyền thông, giải trí, giáo dục và đào tạo đến giao thông vận tải, khách sạn, phân phối, bán buôn, bán lẻ...
Tại Việt Nam, các mô hình số hóa đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân, tận dụng hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội, tuy nhiên cũng tạo ra những mâu thuẫn, thay đổi cơ bản với mô hình kinh doanh truyền thống. Trước viễn cảnh những mô hình số hóa sẽ tác động lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, việc giải quyết các bài toán này bằng công cụ hành chính, chính sách cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)
Ông André Laperrière, Tổng Giám đốc chương trình Dữ liệu mở toàn cầu về nông nghiệp và dinh dưỡng (GODAN) của Liên hợp quốc cho biết Chương trình GODAN đã thiết lập hợp tác với 800 tổ chức chính phủ, phi chính phủ và doanh nghiệp đến từ hơn 100 quốc gia. Chương trình GODAN mong muốn hợp tác với các tổ chức tại Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm sử dụng dữ liệu mở để nâng cao an toàn thực phẩm, góp phần cải thiện chế độ dinh dưỡng cũng như giảm bớt nguy cơ bệnh tật cho người dân.
Thêm vào đó, sự phát triển của các mô hình tổ chức và công nghệ vượt trội cũng đặt ra vấn đề rất lớn về nguồn nhân lực. Nghiên cứu của Đại học Oxford và Tập đoàn tư vấn McKinsey đưa ra dự báo về việc 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi quy trình tự động hóa trong 15 năm tới. Tỷ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam vì giá trị gia tăng của lực lượng lao động trong nước là rất thấp so với mức trung bình của thế giới. Do đó, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số ngày càng trở nên cấp bách.
Còn ông Ryan Jacildo, chuyên gia kinh tế Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), phụ trách nghiên cứu mảng kinh tế số cho khu vực Đông Nam Á nêu ý kiến một số thay đổi quan trọng về chính sách đào tạo nhân lực, hệ thống thanh toán và ký thác cũng như các chính sách bảo vệ thông tin, người tiêu dùng sẽ trở nên cần thiết để Việt Nam phát huy hiệu quả quá trình chuyển đổi số, tiếp tục duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao, ổn định như trong thời gian qua./.