Bước ngoặt giúp công viên phần mềm Quang Trung thành khu đô thị phần mềm ngày một thông minh
Ngay từ năm 2016, trước áp lực nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng với việc ý thức về vị thế của Công viên phần mềm đầu tiên, QTSC đã xác định lấy việc số hóa chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao thành phố thông minh Việt Nam - ASOCIO 2021 chuyên đề Khu công nghiệp thông minh đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự trực tuyến trên nền tảng Zoom và phát trực tiếp trên Youtube.
Phát biểu khai mạc chuyên đề “Khu công nghiệp thông minh” - ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó Chủ tịch VINASA, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho hay, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cả nước hiện có 370 khu công nghiệp (KCN), doanh thu bình quân cho 1 ha là 1 triệu USD, năng suất lao động (NSLĐ) là 102 triệu đồng/năm.
Riêng TP.HCM có khoảng 23 khu, 5.200 ha, lấp đầy 73%, NSLĐ nhỉnh hơn cả nước. KCN hay KCN thông minh luôn có 5 yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm: hiệu quả đầu tư, tỷ lệ lấp đầy, hiệu suất sử dụng đất, năng suất chất lượng bộ máy quản lý KCN, các vấn đề quản trị KCN.
Công viên phần mềm QTSC như một thành phố thu nhỏ, cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ tiện ích, cùng với cư dân sinh sống, học tập, làm việc. |
Trước đây, các KCN thu hút nhà đầu tư dựa vào các lợi thế như: vị trí đẹp, giá thuê đất, chính sách ưu đãi về thuế. Hiện nay đang có sự chuyển dịch rõ ràng, những lợi thế đó không còn là lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút nhà đầu tư nữa mà sẽ có sự chuyển dịch kèm với các yếu tố thông minh như: nhà xưởng thông minh, logistic thông minh, năng lượng thông minh, môi trường thông minh, tòa nhà thông minh trong KCN.
Những nền tảng đó sẽ được phát triển trên nền tảng công nghệ mới như bigdata, IoT, AI… Đó chính là nội hàm của KCN thông minh trong tương lai.
Chia sẻ tại hội thảo chuyên đề, Bà Trân Nhiêu - Trưởng bộ phận Giải pháp Công nghệ, QTSC cho biết, ngay từ năm 2016, QTSC đã xây dựng các ứng dụng công nghệ IoT để phục vụ hoạt động giám sát, quản lý điều hành toàn khu.
Năm 2018 các ứng dụng này đã được tích hợp trên một nền tảng duy nhất QTSC IOC. Những ứng dụng đang được triển khai thực tế ngay tại QTSC và mang lại hiệu quả lớn, phù hợp với nhiều KCN/KCX như: hệ thống quản lý hạ tầng trên nền tảng GIS, hệ thống quản lý camera thông minh (VMS), hệ thống kiểm soát và theo dõi bảo vệ (MiGuards), hệ thống giám sát điều hành QTSC IOC…
Những hoạt động này đã góp phần nâng tầm QTSC lên một bước ngoặt mới, trở thành một khu đô thị phần mềm ngày một thông minh hơn.
Được biết, QTSC thành lập ngày 16/03/2001, đây là công viên phần mềm đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam. QTSC được Tập đoàn tư vấn KPMG đánh giá ở vị trí thứ 3 trên bản đồ các khu công nghệ châu Á dựa trên chính sách ưu đãi đầu tư và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Tháng 06/2018, QTSC là doanh nghiệp (DN) nhà nước đầu tiên tại TP.HCM được chứng nhận là DN khoa học công nghệ.
Trước đó, ngay từ năm 2016, trước áp lực nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng với việc ý thức về vị thế của Công viên phần mềm đầu tiên, QTSC đã xác định lấy việc số hóa chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sau 4 năm thực hiện số hóa và chuyển đổi số, QTSC đã thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) và nhà đầu tư, chỉ số hài lòng của các doanh nghiệp tại QTSC là hơn 90%, doanh thu năm sau cao hơn năm trước 25%.
QTSC sở hữu nhiều lợi thế đó là nằm trong top các khu công nghệ tại khu vực Châu Á (theo khảo sát của KPMG, 2017).
QTSC có một cộng đồng doanh nghiệp CNTT với hơn 650 sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, xuất khẩu cho hơn 20 quốc gia.
QTSC cũng nguồn nhân lực trình độ cao ngành CNTT cùng hạ tầng CNTT đồng bộ (internet kết nối trực tiếp nhiều gateway quốc tế; hệ thống wifi phủ sóng các tòa nhà; hệ thống cáp quang ngầm, ...).
Hiện giờ, công viên phần mềm QTSC như một thành phố thu nhỏ, cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ tiện ích, cùng với cư dân sinh sống, học tập, làm việc.
Phạm Lê - VnMedia